Đinh Thị Minh Nguyệt

Đang ở nước ngoài, ủy quyền chia thừa kế được không?

Thừa kế là việc những người thừa kế nhận lại tài sản từ thế hệ trước để lại. Khi người để lại di sản chết, nếu di sản chưa được họ phân chia thì cần các người thừa kế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, vì nhiều trường hợp mà một trong những người thừa kế không thể trực tiếp tham gia thỏa thuận. Vậy trường hợp này có thể ủy quyền chia thừa kế được không? Người thừa kế đang ở nước ngoài thì ủy quyền như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải đáp thắc mắc trên.

1. Ủy quyền chia thừa kế là gì? Lưu ý khi ủy quyền chia thừa kế

Ủy quyền chia thừa kế là việc một người có quyền thừa kế ủy quyền cho người khác tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đối với phần mình được hưởng.

Khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó, nếu người thừa kế không thể tham gia thỏa thuận chia thừa kế thì có thể ủy quyền cho người khác tham gia thay mình.

Tuy nhiên khi ủy quyền cần lưu ý, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 141 BLDS 2015 về phạm vi đại diện:

“Điều 141. Phạm vi đại diện

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Việc tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng được coi là người thừa kế đang tham gia giao dịch dân sự với những người thừa kế khác. Nếu một trong những người thừa kế ủy quyền cho bố/mẹ, anh chị em trong gia đình mà cũng là người thừa kế tham gia thỏa thuận phân chia di sản với nhau thì lúc này họ vừa tham gia với tư cách người thừa kế, vừa tham gia với tư cách đại diện của một người thừa kế khác. Trường hợp này cũng được coi như là họ đang thực hiện giao dịch dân sự với chính mình, vì quyền lợi của họ cũng được phân chia trong giao dịch này. Việc này vi phạm Điều 141 nên không thể ủy quyền được.

Như vậy cần lưu ý không ủy quyền cho những người thừa kế khác thay mình tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

2. Có được ủy quyền chia thừa kế khi đang ở nước ngoài không?

Đối với người đang ở nước ngoài vẫn có thể ủy quyền cho người ở trong nước thay mình tham gia chia thừa kế. Căn cứ theo Điều 78 Luật công chứng 2014:

“Điều 78. Việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”

Theo đó đại sứ quán/lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài được công chứng các văn bản trong đó có văn bản ủy quyền.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì người ủy quyền có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Như vậy, người ở nước ngoài vẫn có thể công chứng hợp đồng ủy quyền ở nước ngoài bằng cách lập hợp đồng ủy quyền cho người trong nước tham gia chia thừa kế, sau đó ra đại sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài chứng thực chữ ký. Sau đó gửi về Việt Nam để người được ủy quyền ra văn phòng công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền đã gửi.

3. Tư vấn về sang tên sở hữu di sản thừa kế

Câu hỏi: Kính chào luật sư! Tôi có một vấn đề thắc mắc kính mong luật sư tư vấn. Vụ việc là Ông bà nội tôi (đã mất) có 2 người con trai (ba và bác tôi đều đã mất) và 1 người con gái (cô tôi đang định cư nước ngoài). Ông bà có để lại căn nhà cho ba mẹ tôi nhưng chưa sang tên. Được sự đồng ý của cô, tôi có thể sang tên sở hữu căn nhà trên được không? Và người vợ của bác tôi muốn tôi bán căn nhà trên. Vậy xin thưa nếu bán căn nhà trên thì sẽ được chia như thế nào? Chân thành cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn có để lại căn nhà cho bố mẹ bạn nhưng chưa sang tên, việc để lại này có giấy tờ gì chứng minh như di chúc/giấy tờ tặng cho hay không? Nếu không có các giấy tờ trên thì việc tặng cho chỉ bằng miệng sẽ không có giá trị pháp lý, di sản được chia theo pháp luật. Như vậy nếu bạn muốn sang tên sở hữu căn nhà trên thì cần có sự đồng ý của cô bạn và những người thừa kế khác của ông bà bạn (nếu có). Bạn cần xác định lại bác của bạn chết trước hay chết sau ông bà của bạn. Nếu bác bạn chết trước ông bà bạn thì con của bác bạn là người thừa kế thế vị nên lúc này bạn cần có thêm sự đồng ý của người này. Nếu bác bạn chết sau ông bà bạn thì bác bạn có quyền thừa kế di sản của ông bà bạn, vợ và các con của bác là người thừa kế của bác bạn nên lúc này bạn cần có thêm sự đồng ý của những người này.

Nếu bác bạn chết sau ông bà của bạn, thì người vợ của bác bạn có quyền được phân chia tài sản, nếu bạn đồng ý đối với việc bán căn nhà thì khi bán đi, số tiền bán sẽ được chia làm 3 phần, vợ và các con của bác bạn được hưởng 1 phần, vợ và các con của bố bạn được hưởng 1 phần, cô bạn được hưởng 1 phần. Nếu bác bạn chết trước ông bà, thì số tiền bán chia làm 3 phần, các con của bác bạn được hưởng 1 phần, vợ và các con của bố bạn được hưởng 1 phần, cô bạn được hưởng 1 phần. Việc bán nhà hay không tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các người thừa kế, bạn nên thỏa thuận lại với những người thừa kế khác để thống nhất ý kiến.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn