Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quyền thừa kế đối với con riêng của ông bà như thế nào?

Tôi muốn tư vấn về việc phân chia di sản thừa kế là nhà ở. Cụ thể trường hợp của tôi như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Ông bà em mất đi để lại cho 4 người con chung và 1 người con riêng ( của ông) một căn nhà. Ông mất trước bà hơn 25 năm. Sau đó bà em vẫn sinh sống tại ngôi nhà đó. Bà em mất năm 2007, trước đó năm 2000 bà em có làm di chúc để lại căn nhà cho 4 người con của bà bằng văn bản đánh máy, có công chứng của UBND phường xác nhận chứ kí của bà em. Sau khi một thời gian thì mọi người trong gia đình thống nhất bán ngôi nhà đó.


Em có câu hỏi mong luật sư giúp là bản di chúc có thực hiện được không? Và nếu được chia thì người con riêng của ông em sẽ được chia theo tỉ lệ như thế nào? Nhằm tránh những thắc mắc gây tranh cãi giữa những người thân trong gia đình. Em xin cảm ơn luật sư.
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên có 2 trường hợp được đặt ra như sau:

Trường hợp 1: Căn nhà là tài sản chung của ông bà.

Nếu căn nhà này được xác định là tài sản chung của cả ông và bà thì tài sản này sẽ được chia đôi. Theo đó, 1/2 giá trị căn nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của ông. Ông mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật - Bộ luật dân sự 2005.
 
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;..."

Như vậy, phần di sản của ông sẽ được chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm: Vợ và các con ruột. Theo đó, người con riêng của ông bạn hưởng phần di sản ngang bằng với những người con khác. 

Đối với 1/2 giá trị căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà thì bà có toàn quyền định đoạt vấn đề sẽ để lại di chúc cho ai. 

Tuy nhiên, ông đã mất trước bà 25 năm, và thời hiệu khởi kiện phân chia di sản của ông đã hết (thời hiệu phân chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế_thời điểm người để lại di sản chết). Do vậy, ai là người quản lý sửa dụng tài sản đó sẽ tiếp tục quản lý sử dụng. Mặt khác, trong suốt quãng thời gian này căn nhà có thể đã được sang tên và đứng tên người bà. Do vậy, để phân chia thừa kế trong trường hợp này là rất khó để tiến hành.

Trường hợp 2: Căn nhà là tài sản riêng của bà bạn.

Nếu căn nhà này là tài sản thuộc sở hữu riêng do bà bạn đứng tên thì bà bạn có toàn quyền định đoạt nội dung di chúc sẽ để di sản lại cho ai. Tuy nhiên, để di chúc có hiệu lực thì cần xem điều kiện để di chúc hợp pháp. Theo đó, bạn có thể tham khảo các quy định từ Điều 646 đếb Điều 647 Bộ luật dân sự 2005 quy định về di chúc. Theo đó, nếu di chúc được lập tại thời điểm bà bạn vẫn minh mẫn, sáng suốt, nội dung di chúc không được xác lập do đe dọa cưỡng ép....đồng thời di chúc đã được chứng thực tại UBND xã thì di chúc này hoàn toàn hợp pháp. Như vậy, những người có tên trong di chúc có thể căn cứ vào nội dung di chúc để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và xác lập quyền sở hữu đối với tài sản được thừa kế. Trong trường hợp này, nếu người con riêng của ông bạn không có tên trong di chúc của bà thì sẽ không có quyền hưởng di sản thừa kế.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền thừa kế đối với con riêng của ông bà như thế nào? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật Gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo