Quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình theo quy định pháp luật
1. Luật sư tư vấn pháp luật dân sự
Hiện nay, trên thực tế một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản của mình đó là vấn đề giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản hoặc giữ luôn các tài sản này mà không giao lại cho chủ sở hữu. Các hành vi nêu trên chủ yếu diễn ra giữa các thành viên trong gia đình khi phát sinh một mâu thuẫn cụ thể.
Các hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của chủ sở hữu tài sản và cũng gây ảnh hưởng lớn đến tình cảm của các thành viên trong gia đình. Có rất nhiều trường hợp khi cố tình giữ tài sản giấy tờ của người khác còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng liên quan đến pháp luật hình sự. Trong nhiều trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm không ý thức được tính nghiêm trọng đối với hành vi này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra.
2. Quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình theo quy định pháp luật
Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi muốn hỏi luật sư về trường hợp Mẹ tôi là người sinh ra tôi nhưng giấy CMND của tôi thì Mẹ đã giữ đến khi tôi có gia đình thì mẹ tôi cũng không chịu đưa CMND để tôi làm giấy đăng ký kết hôn và một trường hợp nữa là tôi có mua xe máy và tôi đứng tên nhưng sau khi mua xe rồi mẹ tôi cũng giữ xe và giấy tờ xe của tôi luôn nhưng mẹ tôi không chịu đưa xe và giấy tờ xe cho tôi. Tôi hỏi luật sư là nếu mẹ tôi không đưa giấy tờ xe thì tôi có quyền thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật MinhGia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:
Đầu tiên, chúng tôi sẽ cung cấp cho anh quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu của anh theo quy định của pháp luật.
Điều 158 BLDS 2015 quy định về quyền sở hữu như sau:
Điều 158. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo quy định trên, chủ sở hữu của tài sản có các quyền: quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản và quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Như vậy, chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Theo như anh trình bày, mẹ của anh giữ chứng minh thư nhân dân của anh và không có ý định trả lại khi anh muốn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Chứng minh thư nhân dân là giấy tờ tùy thân của mỗi công dân, trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm căn cước, lai lịch của người được cấp. Mặc dù chứng minh thư nhân dân không có giá trị lớn. Tuy nhiên, phôi chứng minh thư nhân lại được pháp luật dân sự xác định đó là tài sản và đương nhiên tài sản trên thuộc quyền sở hữu của anh.
Đối chiếu với quy định trên, hành vi của mẹ anh là hành vi trái với quy định pháp luật.
Tiếp theo, mẹ anh không cung cấp chứng minh thư nhân dân để anh tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn. Theo quy định tại điêm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình thì hành vi cản trở kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm. Và hành vi trên cần được phát hiện và xử lí nghiêm minh theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 5 dưới đây:
Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
“ ....
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
...
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Anh có trình bày thêm, anh có mua xe và đăng ký xe mang tên anh. Như vây, xác định trong trường hợp này anh là chủ sở hữu của chiếc xe, và chắc chắn pháp luật sẽ bảo vệ quyền sở hữu của anh đối với chiếc xe máy trên. Như trình bày ở phần trên, chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Mẹ của anh chiếm hữu chiếc xe cùng toàn bộ giấy tờ xe là hành vi trái quy định của pháp luật.
Điều 176 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng101 hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là102 di vật, cổ vật103 bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
…
Trường hợp trên, hành vi của mẹ anh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Anh có thể trực tiếp thỏa thuận với mẹ về việc trả lại chiếc xe, chứng minh thư nhân dân cùng toàn bộ giấy tờ xe để tránh trường hợp bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Anh có thắc mắc thêm, trường hợp anh không đồng ý thì mẹ anh có chuyển nhượng được xe cho người khác không. Theo quy định của pháp luật hiện hành mẹ anh không được sự đồng ý của anh (qua văn bản ủy quyền) thì thủ tục mua bán chiếc xe sẽ không được pháp luật công nhận.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất