Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hợp đồng tặng cho tài sản là gì theo quy định pháp luật?

Hợp đồng tặng cho tài sản được quy định về nội dung, đối tượng hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, hiệu lực và các vấn đề khác liên quan, nội dung cụ thể như sau:

1. Quy định về hợp đồng tặng cho tài sản

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự Hợp đồng tặng cho tài sản được quy định như sau:

Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.

Tặng cho động sản

Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình

Trong trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

Thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho

Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trong trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tặng cho tài sản có điều kiện

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

---

2. Tài sản đã tặng cho có đòi lại được không?

Câu hỏi:

Chào luật sư! Em có việc này cần sự tư vấn của luật sư ạh! Sự việc như thế này: Lúc chưa chồng bà em có mua cho em cái xe AB Thái nói là cho em, nên lúc mua em đứng tên trên cavet xe. Nhưng xe và cavet xe của em bà giữ, đã lâu rồi em không sử dụng đến cái xe này nữa. Và năm vừa rồi bà bán nhà, bà mua cho vợ chồng em cái nhà. Em đứng tên trên sổ hồng. Nhưng do mâu thuẫn gia đình, cha mẹ em ích kỷ, ganh tỵ về tài sản mà bà đã cho em nên nói bà bắt em phải ra sang tên lại qua cho bà, bà sợ em nghe lời chồng sau nấy em bán đi hết. Nên bà không cho em đứng tên cái xe và cái nhà nữa. Nhưng em không chịu ra sang tên cái xe và cai nhà.

Giờ bà va ba mẹ em cứ khủng hoảng gọi điện thoại cho em suốt và lên nhà làm phiền và làm dữ với em, bắt em phải đi ra công chứng sang tên lại. Nhưng em muốn bảo vệ tài sản của bà cho em đến cùng em không đi sang gì cả. Nếu bà thưa em ra tòa em có bị gì không ạ? Có bị mang tội lừa gạt chiếm đoạt tài sản của người khác không thưa luật sư? Em mong nhận được sự hồi âm sớm từ luật sư dành cho em. Rất mong luật sư chỉ giúp dùm cho em, em cám ơn luật sư rất nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Trong trường hợp của bạn, bà bạn đã quyết định tặng cho bạn một số tài sản bao gồm chiếc xe và căn nhà. Đây là giao dịch được thực hiện khi bà hoàn toàn tỉnh táo về nhận thức và không có bất cứ sự ép buộc nào, hơn nữa bạn đã đứng tên trên giấy tờ xe và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì những giao dịch tặng cho tài sản giữa bà và bạn hoàn toàn có hiệu lực pháp lý.

Lúc này bạn đã hoàn toàn là chủ sở hữu hợp pháp của những tài sản được bà bạn tặng cho. Bà bạn không thể đòi lại khối tài sản đã được tặng cho hợp pháp được, trừ trường hợp khi tặng cho chiếc xe và căn nhà, bà bạn có đưa ra các điều kiện, bạn phải thực hiện đủ những điều kiện này thì bà mới đồng ý tặng cho tài sản. Nếu bạn không thực hiện đúng và đủ những điều kiện đã đặt ra, thì bà bạn mới có quyền khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản đã tặng cho. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 462 – Bộ luật Dân sự như sau:

Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, bà của bạn chỉ có thể đòi lại chiếc xe và căn nhà đã tặng cho bạn nếu như khi tặng cho, có đặt ra những điều kiện đi kèm mà hiện tại bạn không thể thực hiện được những điều kiện đó.

Tuy nhiên, theo thông tin mà bạn cung cấp thì không đề cập gì đến vấn đề điều kiện để bạn nhận tặng cho xe và nhà từ người bà của mình, nên trong trường hợp này có thể xác định đây là giao dịch tặng cho không có điều kiện. Theo đó, sau khi đã tặng bạn chiếc xe và căn nhà, đã làm thủ tục đăng ký xe và sở hữu căn nhà hợp pháp, thì bà của bạn không có căn cứ gì để đòi lại nhà và xe của bạn.

Và tất nhiên, theo đó sẽ không đặt ra bất cứ vấn đề gì về việc chiếm đoạt tài sản đối với chiếc xe và căn nhà này, do việc bạn nhận được khối tài sản trên từ bà của bạn hoàn toàn có căn cứ và đã được pháp luật công nhận.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo