Trần Phương Hà

Quy định về đất thờ cúng

Chào luật sư, cho tôi hỏi về vấn đề di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng như sau: Ba mẹ tôi đã mất năm 2002, trước khi mất có viết di chúc để lại (1997), nội dung di chúc như sau:

Nay chúng tôi tuổi đời quá già, con cháu đông, chúng tôi làm di chúc rõ ràng cho con có chủ quyền, tránh sự không đoàn kết, không tốt đẹp về sau. Chúng tôi di chúc đất + nhà này cho con trai thứ 4 của chúng tôi tên N.H.H và con dâu N.T.N (vợ H) được kế + chủ quyền đất + nhà này thay cho ba mẹ sử dụng ăn ở và thờ phụng ông bà tiên tổ. Đất nhà này không được cầm cố, chuyển nhượng cho ai, phải giữ gìn truyền tử lưu tôn làm nơi thờ tự vĩnh viễn. Di chúc này đã được bố mẹ và 7 anh chị em cùng ký tên và được UBND phường xác nhận.

Với nội dung di chúc như vậy xin hỏi luật sư chúng tôi có được làm sổ hồng nhà và đất đứng tên chủ quyền của người được viết trong di chúc hay không? Sau này người được ủy quyền trong di chúc có được viết di chúc cho đời sau kế thừa hay không?

Trả lời:

Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của anh/chị chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

 "Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."

Theo nội dung anh/chị cung cấp, di nguyện của bố mẹ trước khi chết để lại quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất cho con trai thứ 04 ăn ở và thờ phụng ông bà, tổ tiên, phải giữ gìn truyền tử lưu tôn làm nơi thờ tự vĩnh viễn. Vậy, có cơ sở để xác định quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất là di sản dùng vào việc thờ cúng, và ông con trai thứ 04 cùng vợ là người được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Hai vợ chồng anh, chị có quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, sử dụng khối di sản trên.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 thì trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế nên hai vợ chồng anh, chị không có quyền nộp hồ sở để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất mang tên ông H và bà N.

Và theo đó, hai vợ chồng anh, chị không có quyền lập di chúc để định đoạt khối tài sản trên. Toàn bộ khối tài sản gồm quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất sẽ mãi mãi được xác định là di sản dùng vào việc thờ cùng, và theo đúng di nguyện của bố mẹ thì người được giao quyền quản lý phải giữ gìn truyền tử lưu tôn làm nơi thờ tự muôn đời.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo