Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về an toàn vệ sinh đối với thực phẩm chay.

Tôi đang có thắc mắc về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm chay. Cụ thể như sau:


Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính chào Luật Minh Gia, 

Tôi là Mỹ Linh, biết được dịch vụ tư vấn qua email của công ty trên internet rất nhanh chóng, chính xác và đáng tin cậy nên hôm nay nhờ công ty tư vấn giúp tôi vấn đề như sau:

Gần đây trên thị trường, thực phẩm chay (nhất là các loại chay giả mặn) được bán rộng rãi và loại sản phẩm cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đã không ít trường hợp phát hiện thịt động vật, hay các sản phẩm từ động vật được phát hiện trong đó (chủ yếu là tăng hương vị cho món ăn, để giống món ăn thật). Đối với những người ăn chay theo Đạo mà nói đây một tội lỗi lớn, vi phạm vào các điều giới nghiêm, đạo hạnh, còn đối với những người ăn chay khác đây là một sự lừa dối lớn. Việc này gây bức xúc cho cộng đồng. Tôi và gia đình cũng là một trong những người thường xuyên ăn chay, gặp vấn đề này cũng không khỏi bức xúc. Hôm nay tôi gửi email xin được hỏi:

1. Có quy định nào của nhà nước quy định về vấn đề này không?

2. Cơ sở sản xuất sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Và hình phạt ra sao?

3. Để đề phòng việc này xảy ra, người ta có gửi mẫu thực phầm chay đến nơi nào kiểm tra và cấp giấy chứng nhận không? Và hàm lượng thịt trong đó là bao nhiêu để có thể kết luận thực phẩm đó có chứa thịt?

Đây là những vấn đề mà tôi đang rất quan tâm. Kính mong được Luật Minh Gia giải đáp và sớm hồi âm. Nếu được như thế tôi vô cùng cảm ơn!

Xin trân trọng kính chào và Kính chúc quý vị được nhiều sức khỏe, thành công trong công việc.

Mỹ Linh

Quy định về an toàn vệ sinh đối với thực phẩm chay.
Quy định về an toàn vệ sinh đối với thực phẩm chay. 


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Về vấn đề thực phẩm chay, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào điều chỉnh trực tiếp về loại thực phẩm này. Song thực phẩm chay cũng là một loại thực phẩm nói chung, bởi vậy cũng thuộc sự điều chỉnh của Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến an toàn thực phẩm.
 

Thứ nhất, về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
 

Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
 

Cụ thể về các hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 2 như sau:
 

“1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.
 

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.
 

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
 

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
 

5. Sản xuất, kinh doanh:
 

a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; c) Thực phẩm bị biến chất;
 

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;
 

đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;
 

e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;
 

g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;
 

h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;
 

i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng…”
 

Như vậy, việc các thực phẩm chay có lẫn thịt động vật là vi phạm quy định về an toàn thực phậm. Cụ thể là hành vi: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.
 

Thứ hai, về trách nhiệm của cơ sở sản xuất và hình thức xử lý vi phạm.
 

Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 về  Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định:  “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật…”
 

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm, người sản xuất, cơ sở sản xuất sẽ phải chịu hình thức xử lý khác nhau. Về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định cụ thể tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP.
 

Thứ 3, về đăng ký tiêu chuẩn chất lượng đối với thực phẩm.
 

Điều 7 Luật An toàn thực phẩm quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm, trong đó Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có quyền: “Quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp; quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm;…”
 

Quy chuẩn chất lượng do người sản xuất, cơ sở sản xuất công bố phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Cụ thể là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – chế phẩm tinh bột.
 

Theo quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BCT thì việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chế biến từ bột và tinh bột trong quá trình sản xuất sẽ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trước khi đưa ra thị trường.
 

Như vậy, đến nay pháp luật chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp loại thực phẩm chay. Bởi vậy, các quy định về an toàn thực phẩm nói chung sẽ được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề an toàn thực phẩm chay.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về an toàn vệ sinh đối với thực phẩm chay. . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo