LS Trần Liên

Phân chia di sản thừa kế khi người chồng mất không để lại di chúc

Kính thưa quý ông/bà Luật sư cho tôi hỏi trường hợp về thừa kế khi người chồng chết không có di chúc việc sang tên và chia tài sản thừa kế như thế nào, cụ thể 1. Anh trai tôi và cô chị Dâu thường xuyên xảy ra mâu thuẫn phần lớn bắt nguồn từ cô chị dâu siêng ăn, biếng làm, chua ngoa và ghê gớm (dẫn đến việc làm đơn ly hôn nhưng chưa kịp gửi lên tòa án).

 

Thời gian trước anh tôi có gửi chị gái tôi một khoản tiền với mục đích sau khi ly hôn sẽ đưa con gái lớn về quê cho cháu đi học, số tiền đó anh tôi dặn không được để cho cô vợ biết và để phục vụ cho việc nộp học phí, đóng bảo hiểm cho cháu (anh tôi mua bảo hiểm cho cháu) khi anh tôi ốm đau không đi làm được (anh tôi bị khớp thường chữa trị 1 ~ 2 tháng/năm), thời gian còn lại anh tôi vẫn đi làm nuôi gia đình, nếu không sử dụng đến thì xem đó là món tiết kiệm riêng cho cháu. Nay anh tôi mất và không kịp để lại di chúc, thể theo nguyện vọng của anh, gia đình tôi làm hồ sơ gửi lên tòa án (nơi anh tôi sống) đề nghị phân chia tài sản thừa kế để bảo toàn cho các cháu. Trong khi đó cô chị Dâu tôi thường xuyên quay về đòi chị gái tôi phải trả số tiền anh tôi gửi (do chị ta tìm thấy giấy gửi ngân hàng của anh tôi), chị gái tôi không đồng ý vì số tiền đó đã gửi ngân hàng và sẽ trao lại khi các cháu đủ 18 tuổi (trong cuộc họp gia đình chị gái tôi khẳng định), gần đây rất nhiều lần cô chị Dâu về nhà bố tôi và đã dùng những hành vi vô văn hóa và có những lời lẽ bậy bạ, lăng nhục, chửi bới cả chị gái và bố tôi yêu cầu phải trả trước sự chứng kiến của nhiều người ảnh hưởng tới tinh thần và danh dự gia đình tôi (bố tôi đã gần 80 tuổi và đặc biệt thường xuyên đau yếu sau cái chết của anh tôi), Nay tôi xin được các anh/chj Luật sư tư vấn giúp đỡ gia đình tôi các nội dung sau:

1. Hiện tòa án đã tiếp nhận hồ sơ và đang trong quá trình xem xét giải quyết luật thừa kế, như vậy, cô chị Dâu tôi có quyền đòi lại để sở hữu số tiền anh tôi gửi không? căn cứ pháp lý?

2. Việc cô chị Dâu thường xuyên chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục gia đình tôi như vậy có vi phạm pháp luật không? căn cứ pháp lý? và gia đình tôi phải làm gì để ngăn hành vi trái luân thường đạo lý của cô chị Dâu? hoặc có giải pháp nào không ạ.

Do bố tôi có tuổi và già yếu lại ở một mình, gia đình tôi cũng khá khó khăn nên cũng không biết hỏi ai hoặc tư vấn thế nào là phù hợp. Rất mong nhận được sự tư vấn phản hồi sớm nhất từ quý ông/bà luật sư. Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn nhiều.

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

- Thứ nhất, về phân chia di sản thừa kế.

 

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng:

"Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung."

 

Vì bạn không nêu rõ nguồn gốc của số tiền nên có thể xảy ra một trong hai trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Số tiền mà người anh được người khác tặng cho riêng thì nó sẽ là di sản thừa kế khi người anh mất.

 

Khi người anh trai chết và không để lại di chúc thì số tiền này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật:

 

Căn cứ theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định :

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Như vậy, số tiền này sẽ được chia đều cho người vợ, các con, cho bố, mẹ( những người còn sống).

 

Trường hợp 2: Trường hợp số tiền này là thu nhập do lao động hợp pháp của người anh trong thời kì hôn nhân thì nó sẽ là tài sản chung của cả vợ cả chồng.

 

Nếu số tiền tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân thì theo  nguyên tắc sẽ là tài sản chung và sẽ được chia đôi cho vợ và chồng. Như vậy khi người chồng chết thì số tiền này có thể sẽ chia đôi.½ số tiền thuộc sở hữu của người vợ, ½ số tiền còn lại là di sản thừa kế của người chồng. ½ số tiền còn lại cũng được chia theo pháp luật tương tự như trường hợp 1.

 

Như vậy, cả 2 trường hợp thì người chị dâu đều có quyền hưởng một phần của số tiền mà người chồng đã mất để lại. 

-Thứ hai, về việc người chị dâu có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của gia đình bạn.

 

Căn cứ theo quy định tại điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiện về căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại như sau:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”


Như vậy, nếu gia đình bạn đưa ra được căn cứ chứng minh được thiệt hại là hậu quả khi người chồng có hành vi xâm phạm tới danh dự , nhân phẩm của gia đình mình trước Tòa án về việc yêu cầu bồi thường về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm và chứng minh được người chị dâu có lỗi thì  tòa sẽ xác định thiệt hại và yêu cầu người chồng phải bồi thường.

Về cách xác định thiệt hại, tại Điều 592  Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

 

Như vậy, nếu như gia đình bạn có đủ căn cứ chứng minh về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người chị dâu thì gia đình có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện yêu cầu người chị dâu bồi thường  do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Phân chia di sản thừa kế khi người chồng mất không để lại di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV.Trần Liên - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo