Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Phải làm sao khi làm mất các giấy tờ tùy thân?

Luật sư tư vấn về trường hợp làm mất các loại giấy tờ nhân thân và thủ tục, hồ sơ để cấp lại các loại giấy tờ này. Nội dung tư vấn như sau:

 

Hiện tại trong sổ hộ khẩu mẹ chồng tôi được bổ sung ngày tháng năm sinh 1/1/1954. Bà đã bị thất lạc và làm mất hết giấy khai sinh bản gốc, CMND. Khi đi làm lại CMND cho bà thì được công an thành phố trả lời là bà sai tên và ngày tháng năm sinh (Tra cứu hồ sơ gốc trước năm 2000 thì tên khai sinh là Trần Thị Hòa, tên thường gọi ở nhà là Trần Thị Bé, ngày tháng năm sinh tôi không nhớ rõ lắm) . Tìm lại hồ sơ ở nhà chỉ còn có giấy khai sinh của các con ghi tên mẹ là: Trần Thị Hòa sinh năm 1954. Công an thành phố bảo tôi phải lên UBND thành phố xin xác nhận lại thông tin mới làm thủ tục cấp giấy CMND cho mẹ chồng tôi. Như vậy có đúng không? Giờ tôi muốn làm lại giấy khai sinh, CMND cho bà có được không? Thủ tục gồm có những hồ sơ gì? Tôi muốn điều chỉnh lại thông tin trong sổ hộ khẩu hiện tại thì phải làm như thế nào? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp bạn muốn làm lại giấy tờ cho mẹ chồng thì cần phải có văn bản ủy quyền, văn bản ủy quyền có thể không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

 

Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

 

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

 

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

 

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh”.

 

Với giá trị như vậy, trước tiên bạn nên đăng ký lại giấy khai sinh cho mẹ chồng.

 

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn thường trú có thẩm quyền thực hiện đăng ký lại khai sinh.

 

Khoản 1 điều 26 NĐ 123/2015 quy định hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:

 

a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;

 

b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

”.

 

Bên cạnh đó, điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định:

 

Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm:

 

1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao được công chứng, chứng thực hợp lệ, bản sao được cấp từ Sổ đăng ký khai sinh).

 

2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

 

3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh:

 

a) Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

 

b) Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú;

 

c) Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;

 

d) Giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân;

 

đ) Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.

 

Về sổ hộ khẩu, bạn nộp hồ sơ điều chỉnh hay đổi sổ hộ khẩu tại Công an quận, huyện. Hồ sơ bao gồm:

 

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

 

- Sổ hộ khẩu;

 

- Các giấy tờ chứng minh sự thay đổi.

 

Về CMND, bạn thực hiện xin cấp lại tại Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm:

 

- Đơn đề nghị (mẫu CM3) có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của Công   an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú;

 

- Hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể)

 

- Kê khai tờ khai cấp CMND;

 

- Lăn tay, chụp ảnh hoặc công dân nộp ảnh theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Chu Thị Ngọc Mai - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo