LS Hoài My

Ông, bà ngoại mất không để lại di chúc thì phân chia di sản thừa kế như thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Ông, bà ngoại mất không để lại di chúc, chia di sản thừa kế như nào? Ai là người chịu án phí dân sự sơ thẩm khi khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia di sản?

Nội dung tư vấn: Ông, bà ngoại tôi mất có để lại đất đai nhưng không có di chúc. Nhà Dì ở kế nhà ông, bà (phần đất căn nhà này Dì tôi mua (vừa bán vừa cho) của ông, bà trước khi ông, bà tôi mất nhưng không có giấy tờ bán đất) và còn một phần đất kế nhà Dì. Sau khi ông, bà mất thì con nhà Dì có xây phần đất thừa đó để ở và làm giấy tờ tay ở phường xác nhận, nhưng chung quy lại tất cả phần đất kể trên ra phường hỏi người đứng tên vẫn là ông ngoại tôi. Mẹ tôi đã mất trước ông, bà ngoại.

Vậy phần tài sản đất đai kể trên được chia như thế nào? Cả dòng họ có 6 người (tính cả tôi), nhưng có 2 người không muốn lấy phần đất đó. Vậy khi ra tòa 2 người kể trên cần có mặt không? Và án phí được tính cho tôi hay chia điều cho mỗi người? Chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Vì thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện rõ thời gian ông, bà ngoại và mẹ bạn mất vào thời gian nào nên chúng tôi xin đưa ra hướng tư vấn sau:

 

Pháp luật về thừa kế quy định, nếu người mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật và chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

 

Hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà ngoại bạn gồm: mẹ bạn và những người con khác của ông, bà ngoại bạn. Vì mẹ bạn mất trước ông, bà ngoại nên những người con của mẹ bạn sẽ được hưởng thừa kế thế vị suất thừa kế của mẹ.

 

Hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn gồm: ông, bà ngoại, bố bạn, bạn và những người con khác của mẹ bạn.

 

Cả dòng họ có 6 người, bao gồm cả bạn thì chưa thể xác định ai là những người được hưởng thừa kế của ông, bà ngoại và mẹ bạn. Vì vậy, bạn cần xác định rõ ai là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà ngoài và mẹ bạn, những người này mới được nhận di sản thừa kế và mới có quyền từ chối nhận di sản thừa kế.

 

Về phần chia di sản của ông, bà ngoại bạn sẽ xác định như sau:

Tài sản của ông, bà ngoại khi còn sống bao gồm toàn bộ diện tích đất mà Dì mua và diện tích đất mà con của Dì xây dựng nhà lên. Toàn bộ tài sản đó mang tên của ông ngoại bạn.

 

Tuy nhiên, Dì đã mua và được ông, bà ngoại tặng một phần đất. Nếu như việc mua bán và tặng cho đất đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật mặc dù, thời điểm ông mất phần đất đó chưa được chuyển sang tên của Dì, nhưng nếu Dì chứng minh được phần đất đó ông đã bán và cho Dì thì phần đất này sẽ không được coi là tài sản của ông, bà bạn nữa.

 

Lúc này, di sản của ông để lại chỉ còn phần đất mà con của Dì đang làm nhà lên. Nên khi tiến hành chia thừa kế thì chỉ được chia phần đất này thôi.

 

Còn nếu như Dì bạn không chứng minh được phần diện tích đất đó là ông bán và tặng cho Dì thì toàn bộ đất vẫn đang đứng tên ông ngoại được coi là di sản của ông, bà bạn để lại. Lúc này, chia thừa kế sẽ chia toàn bộ số đất ông bạn đang đứng tên.

 

Lúc này, phần di sản của ông, bà ngoại bạn sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng một suất thừa kế bằng nhau. Mẹ bạn mất trước thời điểm ông, bà ngoại mất nên những người con của mẹ bạn sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần di sản của mẹ bạn.

 

Ngoài ra, Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Từ chối nhận di sản:

 

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

 

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

 

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

 

Theo đó, nếu như một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà bạn muốn từ chối nhận di sản thì việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực gửi đến người quản lí di sản, những người thừa kế khác. Khi đó họ sẽ không được nhận di sản của ông, bà bạn nữa.

 

Những người từ chối nhận di sản được coi là những người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan khi tham gia tố tụng tại phiên tòa. Nếu như họ không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thi Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

 

Về án phí dân sự:

 

Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:

 

”7. Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

 

a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;

 

Như vậy, trong trường hợp các thừa kế không thỏa thuận được về việc chia di sản mà có yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự sẽ phải nộp án phí dân sự theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối di sản thừa kế.

 

Tuy nhiên, nếu bạn là nguyên đơn trong vụ án yêu cầu chia di sản thừa kế thì sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự theo mức quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:

 

“2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch”.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo