Luật sư Việt Dũng

Nhà hàng xóm sử dụng chung vách tường gây tiếng ồn thì làm thế nào

Luật sư tư vấn về trường hợp hai gia đình sử dụng chung vách tường, gia đình hàng xóm gây tiếng ồn, muốn giải quyết thì làm thế nào. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính thưa luật sư. Giữa năm 2016 tôi có mua một căn nhà 1 trệt 2 lầu, khi mua được 1 tháng thì tôi phát hiện nhà bên cạnh khi xây nhà trước đó (trước khi tôi mua) không xây vách mà sử dụng vách tường 10cm nhà tôi để sử dụng chung. Điều mà tôi bức xúc là họ thường xuyên gây tiếng động lớn ở gần bức tường nhà tôi nên bên nhà tôi nghe tiếng vang lớn và hơn 1 năm nay tôi thường xuyên phải mất ngủ. Tôi có gọi hỏi chủ cũ của căn nhà mà tôi đã mua về việc nhà bên cạnh có xin sử dụng nhờ bức tường hay không thì họ trả lời là không nghe nhà bên cạnh nói gì về việc này. Tôi có qua trao đổi với nhà bên cạnh và mong họ thông cảm hạn chế gây tiếng ồn, họ nói với tôi là họ hiểu rồi nhưng sau đó thì còn thường xuyên gây tiếng động nhiều hơn và lớn hơn nhất là ở khu vực phòng ngủ của tôi. Khi tôi đo đạc lại chiều ngang căn nhà thì phát hiện chiều ngang là 4,47m vẫn còn thiếu 3cm so với chiều ngang ban đầu mà nhà nước bán là 4,5m(nhà tôi ở tuyến dân cư). Vậy tôi xin hỏi luật sư vấn đề như sau:  

  1. Tôi có quyền yêu cầu nhà bên cạnh không được sử dụng vách tường nhà tôi mà phải xây dựng một vách riêng biệt hay không và bộ phận, cơ quan nào giải quyết?   
  2. Chiều ngang căn nhà tôi đo cả 2 mép ngoài của 2 vách tường vẫn còn thiếu 3cm thì làm thế nào để xác định nhà bên vẫn nào đã lấn chiếm (Vì nếu có thể thì tôi muốn nhà bên cạnh khi xây cất vách mới phải bỏ khoảng trống 3cm đó để hạn chế tối đa được tiếng ồn mà họ tạo ra)?Rất mong được sử giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo điều 10 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở như sau:

 

Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở

 

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

 

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

 

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

 

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

 

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

….

 

 Đồng thời  tại điều 173 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nội dung như sau:

 

Điều 173. Nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

 

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

 

Như vậy từ những quy định trên có thể thấy hiện này gia đình bạn đang là chủ sở hữu của ngôi nhà trực tiếp sử dụng nhà ở cho nên sẽ được hưởng các quyền như bất khả xâm phạm về nhà ở,.. Gia đình hàng xóm cũng nhưng gia đình bạn phải tôn trọng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, không gây mất trật tự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Việc gia đình hàng xóm làm ồn, gây tiếng động ảnh hưởng đến gia đình bạn như vậy là không đảm bảo trật tự, vi phạm nghĩa vụ theo điều 173 Bộ luật dân sự năm 2015. Do vậy để giải quyết vấn đề này, trước hết các bên nên thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc hạn chế gây tiếng ồn ảnh hưởng đến gia đình bạn, hai bên có thể thỏa thuận thông qua việc giao kết bằng văn bản,… Trường hợp đã thỏa thuận nhưng gia đình bên kia vẫn không hạn chế việc này, bạn có quyền gửi yêu cầu giải quyết đến cơ quan công an xã/ phường để được giải quyết.

 

Thứ hai, về vấn đề xây sử dụng chung vách tường, theo đúng quy định của pháp luật gia đình bạn sẽ được xây dựng trong phạm vi diện tích được nhà nước công nhận, điều này thể hiện rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở. Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nên việc yêu cầu gia đình bên kia xây vách xây tường riêng hay sử dụng chung tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên. Còn về việc xác định bên nào là bên lấn chiếm nếu chỉ dựa trên những thông tin như vậy là chưa đủ để khẳng định, để xác định việc lấn chiếm cần căn cứ theo diện tích của mỗi gia đình trên giấy chứng nhận được Nhà nước ghi nhận, căn cứ trên hồ sơ địa chính, căn cứ trên tình hình thực tế,…

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo