Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Người sử dụng lao động không trả trợ cấp thôi việc bị xử lý như thế nào?

Trợ cấp thôi việc là quyền lợi mà người lao động được hưởng và cũng là nghĩa vụ của người lao động phải thực hiện khi chấm dứt HĐLĐ và người lao động đáp ứng các điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều tổ chức lại không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Câu hỏi: 

Chào công ty Luật Minh Gia, tôi muốn hỏi trường hợp như sau: Tôi đã làm việc cho ngân hàng Habubank từ tháng 5/2001- 8/2022. Vì lý do sức khỏe, tôi xin thôi việc. Sau 45 ngày tôi nhận quyết định thôi việc của HABUBANK và có xác nhận nhận đồng ý của SHB (do ngân hàng HABUBANK đang làm thủ tục sáp nhập với SHB nên mọi trường hợp nghỉ việc đều có xác nhận của SHB).

Tôi đã nhận được sổ bảo hiểm xã hội và đã được nhận trợ cấp thất nghiệp 6 tháng. Từ đó đến nay tôi không nhận được trợ cấp thôi việc từ phía ngân hàng. Tôi có lên hỏi rất nhiều lần và được biết ngân hàng đã lập danh sách tôi và rất nhiều người, trong đó tôi được 48 triệu. Phòng nhân sự có lần đã yêu cầu tôi cung cấp tài khoản để chi trả, sau đó thì im lặng. Tôi đã gửi phản hồi đến tổng giám đốc rất nhiều lần nhưng không thấy trả lời.Xin hỏi trường hợp của tôi bây giờ giải quyết thế nào?  Xin văn phòng trợ giúp. 

Trả lời tư vấn: 

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc cho ngân hàng Habubank từ tháng 5/2001- 8/2022 (khoảng 21 năm 03 tháng). 

Đối chiếu với quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, bạn đã làm việc cho ngân hàng đủ 12 tháng nên khi chấm dứt hợp đồng lao động thì bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc. 

Mức trợ cấp được căn cứ vào thời gian bạn làm việc, cứ mỗi năm làm việc được hưởng ½ tháng tiền lương. 

Tuy nhiên, thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc được tính bằng tổng thời gian làm việc thực tế cho ngân hàng trừ đi thời gian bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 và Khoản 1 Điều 140 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bắt đầu từ ngày 01/01/2009. 

Như vậy, giả sử bạn được đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2009 cho đến khi bạn nghỉ việc (tháng 08/2022) thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn là khoảng 21 tháng. 

Như vậy, thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc của bạn được tính như sau: 

Thời gian tính hưởng = 21 năm 03 tháng - 13 năm 08 tháng tháng = 8 năm 07 tháng (Làm tròn thành 09 năm). 

Mức trợ cấp thất nghiệp = 9 năm x ½ tháng tiền lương = 4,5 tháng tiền lương. 

Lưu ý: Tiền lương nêu trên là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. 

Căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao 2019, ngân hàng có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc cho bạn trong thời hạn 14 ngày (hoặc 30 ngày nếu thuộc trường hợp đặc biệt được liệt kê tại Điều này). 

Tuy nhiên, đã quá thời hạn này nhưng ngân hàng vẫn chưa thanh toán cho bạn là vi phạm quy định pháp luật. 

Hành vi này của ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính từ 01 triệu đến 20 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. 

Nếu sau khi đã khiếu nại đến Ban lãnh đạo ngân hàng mà không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có thể lựa chọn một trong những phương án sau đây để buộc ngân hàng thanh toán trợ cấp thôi việc theo đúng quy định: 

  • Khiếu nại lần 2 đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi ngân hàng đặt trụ sở chính

  • Khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền

  • Kiến nghị xử phạt hành vi vi phạm của ngân hàng với UBND cấp xã/ huyện. Bởi, nếu bị xử phạt hành chính về hành vi này thì ngân hàng còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc và tiền lãi cho người lao động.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169