Phương Thúy

Người nước ngoài có được mua đất ở Việt Nam?

Tôi có một trường hợp muốn hỏi: anh Hiệp là việt kiều Canada, anh sang Canada trước 1975, hơn 50 tuổi. Nay anh muốn về Việt Nam mua đất để đầu tư kinh doanh, cho thuê. Vậy theo luật mới ban hành, trường hợp của anh Hiệp có được đứng tên sở hữu lô đất mà anh dự định mua hay không? Thủ tục làm sổ đỏ như thế nào? Thời hạn sở hữu lô đất là bao nhiêu năm? Sau thời hạn đó thì quyền lợi của anh Hiệp với lô đất như thế nào?

 

Người nước ngoài có được mua đất ở Việt Nam?
Tư vấn về trường hợp người nước ngoài có được mua đất ỏ Việt Nam

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty chúng tôi xin tư vấn như sau:
 
Theo điều 8 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.”
Để được sở hữu nhà ở ở Việt Nam, căn cứ theo Điều 8 Luật nhà ở năm 2014 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài  phải được được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên (visa 3 tháng).
 
Vì bạn không nói rõ anh Hiệp còn quốc tịch Việt Nam hay không? Cho nên, trong bài viết này, công ty chúng tôi sẽ đưa ra một số phương án, bạn có thể dựa theo thực tế để thực hiện.
 
Trường hợp thứ nhất: anh Hiệp chưa thôi quốc tịch Việt Nam.
 
Theo quy đinh tại Điều 169 Luật đất đai 2013, trường hợp người Việt Nam nhưng đang định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp:
 
1) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
 
2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;
 
3) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất.
     
 
Theo các quy định trên thì trường hợp này, anh Hiệp được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên việc nhận quyền sử dụng đất chỉ được thông qua hình thức mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.

Nếu anh Hiệp chỉ nhận quyền sử dụng đất mà không gắn liền với việc sở hữu nhà ở thì không được phép nhận quyền sử dụng đất, trường hợp này anh Hiệp chỉ được nhận giá trị của quyền sử dụng mảnh đất đó mà không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Trường hợp thứ hai: anh Hiệp đã thôi quốc tịch Việt Nam.
 
Theo quy định tại điều 5 Luật đất đai 2013 thì:

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.


Như vậy, theo quy định trên thì người nước ngoài không được phép nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. 
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người nước ngoài có được mua đất ở Việt Nam? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Chuyên viên Hoàng Phương Thảo – Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo