Người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc thì phải làm thế nào?

Bác em 86 tuổi, độc thân. Ông hiện có căn nhà đang nhờ người bà con làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất. Ông có ký một văn bản thoả thuận được văn phòng thừa phát lại chứng nhận việc đồng ý cắt một phần đất cho người làm giấy tờ này sau khi người này làm xong sổ hồng

Do tuổi cao ông có ý định lập uỷ quyền và di chúc cho em định đoạt căn nhà này. Hiện căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền do chưa có lối đi. Trước đây, lối đi vào nhà này là thông qua căn nhà phía trước do ba em đứng tên trên sổ hồng dùm bác em hiện phải bán để trả nợ của bác cho người khác theo thoả thuận đã được toà án chấp thuận.
Xin hỏi luật sư là :
-Căn nhà phía sau chưa có chủ quyền thì bác em có lập di chúc hay uỷ quyền công chứng cho em được không ? Bác em đã già yếu lại không tự viết được. Nếu không thể ký công chứng được thì nên làm thế nào.
-Văn bản thoả thuận ký cho người làm giấy tờ được văn phòng thừa phát lại chứng nhận có giá trị pháp lý tranh chấp đòi phần quyền sỡ hữu không khi thời điểm ký văn bản là nhà chưa có sổ hồng.

Nội dung trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia.Đối với trường hợp của bạn tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, việc bác ủy quyền cho bạn lập di chúc hoặc chuyển nhượng nhà và đất.

 

Khoản 1 điều 188 Luật đất đai 2013 quy định:

 

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

 

Như vậy, căn cứ theo quy định này thì khi muốn để lại di chúc chia thừa kế là đất đai thì người để lại di chúc sẽ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bác của bạn có thể ủy quyền cho bạn để yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện (Điều 100, Điều 101 Luật đất đai năm 2013). Nếu không ký được thì có thể điểm chỉ (Khoản 2 Điều 48 Luật công chứng năm 2014), nếu không tự viết được thì có thể nhờ bạn viết nhưng phải có người và sau đó tự yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc. Kể cả khi bạn muốn bán đi để trả nợ cho bác theo ủy quyền của bác bạn thì bác bạn cũng phải được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, sau đó mới có quyền chuyển nhượng.

 

Như vậy, nếu hai bên đã có hợp đồng thỏa thuận về việc ủy quyền cho Người họ hàng làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người này khi đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì nếu hai bên có thỏa thuận về việc trả thù lao thì bên ủy quyền sẽ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận.

 

Thứ hai, về vấn đề đòi lại phần đất đã cho.

 

Bạn cung cấp thông tin là bác bạn ủy quyền cho người khác xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sẽ cho người đó một phần của mảnh đất. Tại thời điểm đó bác bạn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể tặng cho cho người đó được, việc tặng cho chưa có giá trị pháp nên bác bạn có thể tuyên hủy giao dịch tặng cho. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là hai bên phải trả lại cho nhau đã nhận. Nếu trước đó hai bên giao kết hợp đồng ủy quyền có thù lao mà thù lao là giá trị của mảnh đất thì bác bạn sẽ phải thanh toán thù lao cho người đã thực hiện việc yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc thì phải làm thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn tranh chấp đất đai trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Lê Yến - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169