LS Thanh Hương

Người đã thành niên gây thiệt hại, ai phải bồi thường?

Luật sư tư vấn về trường hợp cha mẹ có nghĩa vụ thay con bồi thường thiệt hại khi vẫn còn chung hộ khẩu? Vấn đề bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm?

Câu hỏi:

Chào luật sư, anh trai của em sinh năm 1990 đã có vợ và 1 con nhỏ, anh em do xích mích với anh cùng mẹ khác cha của vợ ảnh, trong lúc nóng giận ảnh đâm anh của vợ chết. Tòa xử 18 năm tù bồi thường cho bên bị hại 79 triệu và nuôi 2 con nhỏ của bị hại 18 năm. Vừa rồi bên nhà bị hại có kiện ra tòa án tỉnh về vấn đề bồi thường ba mẹ em phải bồi thường vì anh trai chưa cắt khẩu.

Ba mẹ em đều đã già trên 60 tuổi, bệnh tật nên không còn khả năng lao động. Luật sư cho em hỏi trong trường hợp này gia đình em có lợi không ạ, nên đưa ra tòa để giải quyết không? Và anh em đã 27 tuổi và đã có vợ như vậy vấn đề bồi thường phải do vợ ảnh lo đúng không ạ? hay bắt buộc ba mẹ em phải chịu. Xin tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn đang phải chịu hình phạt hình sự và bên cạnh đó phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho phía gia đình người anh vợ. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại này được coi là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:

Điều 28. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khi chồng bạn có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người anh vợ, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ đặt ra theo quy định tại Điều 591 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

Như vậy, trường hợp của anh trai bạn, nay đã 27 tuổi sẽ phải tự bồi thường cho hành vi gây thiệt hại của mình. Khoản tiền dùng để bồi thường sẽ được lấy ra từ tài sản riêng của anh trai bạn và khối tài sản chung của anh này với vợ hoặc với những người khác.

Do đó, bố mẹ bạn không có nghĩa vụ thực hiện bồi thường với gia đình kia trừ khi bố mẹ bạn hoàn toàn đồng ý, tự nguyện bồi thường thay anh trai bạn. Việc gia đình người bị hại yêu cầu bố mẹ bạn phải bồi thường với lý do anh trai bạn chưa cắt khẩu là hoàn toàn không có căn cứ, vì theo quy định của pháp luật hiện hành, không có chế định nào thể hiện việc cha mẹ phải thực hiện nghĩa vụ thay con cái khi có cùng một hộ khẩu.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn