Luật sư Vũ Đức Thịnh

Nghĩa vụ thanh toán tài sản cầm cố trong trường hợp ủy quyền

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư luật sư giải quyết giùm tôi thắc mắc trường hợp nhờ người khác cầm đồ hộ thì nghĩa vụ thanh toán trả nợ thuộc về ai như sau: Vì tôi có quen chủ hiệu cầm đồ nên bạn tôi có 2 lần nhờ tôi đi cầm cố để bạn tôi lấy tiền sử dụng cá nhân. Lần thứ nhất bạn tôi đưa cho tôi một máy tính xách tay bảo tôi đem đi cắm lấy 5 triệu, lần thứ 2 bạn tôi đưa chiếc xe máy nhờ tôi đem cắm lấy 20 triệu.

 

Tôi ký xác nhận vào 2 giấy vay tiền với chủ hiệu theo đúng số tiền mỗi lần cầm cố. Sau đó tôi đem một giấy vay tiền khác đã có chữ ký của chủ hiệu cầm đồ về cho bạn tôi viết tổng số tiền vay đủ 25 triệu của cả 2 lần mà tôi đã cầm cố hộ và bạn tôi đã ký xác nhận theo nội dung nhận vay số tiền là 25 triệu vào giấy vay đó.

Thưa luật sư tuy đến nay đã hơn một tháng bạn tôi đã gửi nhờ tôi trả tiền lãi xuất đầy đủ nhưng tôi lo quá nếu như xe máy và máy tính đó mà bạn tôi đi lừa dối người khác thì tôi phải làm sao.

Vậy xin luật sư cho tôi biết nếu đúng là bạn tôi đi lừa người khác thì tôi có bị vi phạm pháp luật không và bạn tôi không trả được thì tôi có phải trả số tiền tôi đã cầm cố hộ cho bạn tôi không? Xin cám ơn luật sư!

 

Nghĩa vụ thanh toán tài sản cầm cố trong trường hợp ủy quyền

>> Tư vấn quy định pháp luật Dân sự, gọi 19006169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, về việc tiêu thụ tài sản phạm pháp

 

Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:


“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm…..”

 

Trường hợp bạn chứng minh được là bạn không biết chiếc xe máy và máy tính mà người bạn nhờ bạn mang đi cầm cố hộ là tài sản do người bạn đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà có được thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu trên.

 

- Thứ hai, nghĩa vụ thanh toán tiền trong hợp đồng vay

 

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, khi bạn làm thủ tục cầm cố 1 chiếc xe máy và 1 máy tính xách tay với cửa hàng cầm đồ bạn đã ký xác nhận vào giấy vay tài sản của cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, bạn lại mang 1 giấy vay tài sản khác đã có chữ ký của chủ của hàng cầm đồ về cho bạn của bạn ký. Theo thông tin bạn cung cấp, trong trường hợp này đã phát sinh 2 mối quan hệ vay tài sản khác nhau. Cụ thể:

 

+ Quan hệ thứ nhất: Quan hệ vay tài sản giữa bạn với chủ cửa hàng cầm đồ

 

Vì 2 lần cầm cố bạn đã ký xác nhận vào 2 giấy vay tài sản và tổng giá trị tài sản là 25 triệu đồng. Như vậy, thực chất bạn đã giao kết hợp đồng vay tài sản với chủ của hàng cầm đồ.

 

+ Quan hệ thứ hai, quan hệ vay tài sản giữa bạn của bạn với chủ cửa hàng cầm đồ.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, khi thực hiện xong 2 giao dịch cầm cố tài sản bạn đã ký xác nhận vào giấy vay tài sản nhưng lại mang 1 giấy vay tài sản khác với giá trị 25 triệu đồng đã có chữ ký của chủ cửa hàng cầm đồ về cho bạn của bạn ký xác nhận. Tuy nhiên bạn của bạn không hề thỏa thuận trực tiếp với chủ tiệm cầm đồ mà đã thông qua bạn để cầm cố hộ.

 

Như vậy, nếu hiện tại các bên có tranh chấp thì các bên phải thỏa thuận rõ lại là thực tế đang tồn tại quan hệ cầm cố giữa bạn hay bạn của bạn với chủ tiệm cầm đồ, nếu bạn chỉ ký với chủ tiệm cầm đồ xác nhận về việc nhận tiền và giao lại cho bạn của bạn thì thực tế bạn không có nghĩa vụ trả tiền vay. Còn nếu bạn ký hợp đồng vay với chủ tiệm cầm đồ và cho bạn của bạn vay lại thì xác định là 2 hợp đồng vay tài sản khác nhau do đó bạn vẫn phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền cho chủ cửa hàng cầm đồ. Và bạn có thể yêu cầu người bạn của mình thanh toán cho bạn số tiền mà người đó đã vay của bạn.Nếu chiếc xe là của một người khác và việc cầm cố của bạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đó thì chủ sở hữu của chiếc xe có thể yêu cầu Tòa án tuyên hủy giao dịch cầm cố giữa bạn và chủ tiệm cầm đồ vì những tài sản đó không phải là tài sản của bạn, mặc dù hợp đồng cầm cố bị vô hiệu nhưng hợp đồng chính vẫn có hiệu lực và bạn vẫn có trách nhiệm phải trả khoản tiền vay đồng thời có quyền yêu cầu bạn của bạn trả nợ khi đến hạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ thanh toán tài sản cầm cố trong trường hợp ủy quyền. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo