Lại Thị Nhật Lệ

Nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động của người sử dụng lao động

Luật sư tư vấn về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của người sử dụng lao động, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm và các trách nhiệm pháp lý liê quan.

1. Quy định của pháp luật về việc đóng bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên việc đóng bảo hiểm xã hội và mức đóng như thế nào thì không phải ai cũng biết. Đặc biệt là vấn đề đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Nếu bạn gặp vấn đề này cần tư vấn, hỗ trợ, bạn hãy liên hệ công ty Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung sau:

 + Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động;

+ Mức xử phạt hành vi vi phạm ;

+ Trình tự, thủ tục và hướng giải quyết khi có tranh chấp xẩy ra;

2. Không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi:

Em là nhân viên kế toán, có làm cho công ty A thời gian 11 tháng. Bây giờ đã nghỉ việc và đang mâu thuẫn với công ty. Em vô làm không có hợp đồng, và khi xin nghỉ đã được công ty chấp nhận. Nhưng công ty còn nợ lương tháng cuối. Em nghỉ việc từ 13/6/2016, Công ty báo với em rằng sẽ trừ tiền bảo hiểm tháng 5 của em, vì công ty đã đóng tiền và chốt sổ cho em.

Lý do mà công ty đưa ra là: công ty đang trong giai đoạn khó khăn nên sẽ cắt đóng bảo hiểm của người lao động. Công ty báo giảm lao động vào ngày 31- 5-2016, trước thời gian em xin nghỉ việc.Thỏa thuận giữa em và công ty là khi em vô làm chính thức công ty đóng toàn bộ bảo hiểm cho nhân viên, không trích từ lương nhân viên. Nhưng hiện tại, công ty báo sẽ trừ toàn bộ tiền đóng bảo hiểm tháng 5 của em (tức là 32% trên lương đóng bảo hiểm). Vậy cho em hỏi nếu thực sự công ty trừ khoản tiền bảo hiểm (32% trên tổng lương bảo hiểm) thì có phải là công ty sai luật và nếu như vậy em có thể khởi kiện hay làm điều gì để giành lại quyền lợi cho mình không. Và nếu công ty không trả tiền lương tháng cuối cho em thì em phải làm gì?  Vì em cũng chỉ mới ra trường và đi làm được 1 năm nên không có kinh nghiệm nhiều. Mong sẽ nhận được câu trả lời sớm từ quý luật sư.

Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, đối với hành vi không giao kết hợp đồng bằng văn bản sau khi đã nhận người lao động chính thức vào làm việc là trái với quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Điều 5 nghị định 95/2013/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hôi, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.à 

Như vậy, đối với hành vi của công ty: không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn sau khi đã kết thúc thời gian thử việc là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này, tùy từng mức độ và hành vi mà công ty sẽ bị xử phạt với số tiền tương ứng theo quy định của pháp luật như trên. 

Thứ hai, hành vi khấu trừ toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội từ tiền lương của người lao động.

Căn cứ theo Điều 21Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

Như vậy, Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Căn cứ theo  quyết định 959/QĐ – BHXH quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng như sau:

-    Mức đóng bảo hiểm xã hội: 26%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%

-    Mức đóng bảo hiểm y tế: 4,5%, trong đó người lao động đóng 1,5%; đơn vị đóng 3%

-    Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: 2%, trong đó người lao động đóng 1%; đơn vị đóng 1%

-    Kinh phí công đoàn 2%- doanh nghiệp đóng tất.

Như vậy, doanh nghiệp phải đóng 22%, người lao động 10,5% mức đóng bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp và trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Việc người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội, khấu trừ toàn bộ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với lý do doanh nghiệp gặp khó khăn là không đúng theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là bắt buộc, người lao động chỉ được khấu trừ 1 phần tiền lương của người lao động theo đúng quy định của pháp luật là 10,5% mà không được khấu trừ toàn bộ lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao đồng ý đóng hết cho người sử dụng lao động thì pháp luật cũng cho phép. Nếu thỏa thuận đó được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể thì người sử dụng lao động phải bắt buộc tuân thủ.

Việc công ty khấu trừ 32% tiền lương tháng 5 đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là không đúng quy định của pháp luật. Bạn có thể thông qua hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi công ty có trụ sở để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trình tự thủ tục giải quyết:

- Thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

+) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

+) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

+) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

+) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. 

- Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

- Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

- Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

- Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

- Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

 Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169