Luật sư Phùng Gái

Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải theo quy định Bộ luật dân sự?

Câu hỏi tư vấn: Nhà tôi ở dưới nhà hàng xóm, nếu theo mặt bằng đất thì nhà tôi thấp hơn. Cách đây vài năm, nhà hàng xóm xây chuồng heo (lợn) nhưng không có làm khu xử lý phân thải hợp lý.

 

Vào mùa mưa, nhất là những năm mưa to, nhà hàng xóm đã tự ý phá hàng rào (ngăn cách địa giới hai nhà) và để nước thải (phân) tràn vào đất nhà tôi đang sinh sống. Gia đình chúng tôi đã có qua nói chuyện nhưng không giải quyết được, cuối cùng gia đình tôi tự bỏ kinh phí ra để lấp lại khoảng trống bị hàng xóm phá.

 

Cách đây vài hôm, do nước mưa lên cao (lũ lụt ở miền Trung 2016) nhà hàng xóm lại tự ý phá hàng rào nhà tôi thêm lần nữa. Mẹ tôi có qua nói chuyện thì bị người đàn ông trong gia đình ra hành hung (mẹ tôi năm nay 54 tuổi). Thấy vậy hàng xóm đã căn ngăn. Nhưng sau đó mẹ tôi lên báo với chính quyền xóm thì lại bị người đàn ông đó hành hung thêm lần nữa.

 

Vậy cho tôi hỏi người đàn ông đó (gia đình xã thải vào nhà tôi) có vi phạm pháp luật hay không? và nếu tôi muốn đâm đơn kiện dân sự thì phải theo những bước nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, đối với hành vi xả nước thải qua hộ dân liền kề.

 

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 Về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình. Cụ thể:

 

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình

..

2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

..

Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2005 xác định.

 

Điều 270. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải

 

Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường.

 

Điều 277. Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề

 

Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.

 

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật trên thì đối với các hộ dân trong quá trình sinh hoạt, chăn nuôi...là phải có trách nhiệm xử lý nguồn nước thải trong gia đình phù hợp, đúng nơi quy định về xả thải, không được xả thải sang diện tích đất của hộ gia đình khác, ra nơi công cộng. Áp dụng vào trường hợp thực tế của bạn thì việc hộ gia đình trên thực hiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo mà không xây dựng, lập khu xử lý lắp đường dẫn nước thải để đảm bảo môi trường của các hộ dân xung quanh mà để mặc cho nước thải tràn trực tiếp qua đất của gia đình mình gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống là hành vi vi phạm pháp luật.

 

Do đó, để bảo vệ lợi ích của mình thì bạn sẽ làm đơn khiếu nại gửi chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu hộ gia đình chấm dứt hành vi vi phạm, thực hiện xây dựng hệ thống đường dẫn nước thải đúng quy trình và thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu có phát sinh thiệt hại. Trường hợp, đã giải quyết hòa giải tại Uỷ ban nhưng không thành hoặc hòa giải thành, đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm thì bạn để có thể làm đơn khởi kiện trực tiếp ra Tòa để xử lý.

 

- Đối với hành vi hành hung người khác.

 

Trong trường hợp của bạn cần phải xác định hành vi hành hung của đối tượng trên với mẹ bạn có để lại hậu quả nghiêm trọng (có gây thương tích hoặc có sử dụng hung khí nào để hành hung hay không) để làm căn cứ giải quyết truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi của đối tượng trên chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì  sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội ....Cụ thể:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

 

 

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

 

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

 

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

 

d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

 

đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

 

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải theo quy định Bộ luật dân sự?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo