Đất thờ tự, đất có nhà thờ họ, từ đường quy định thế nào?
Câu hỏi: Xin chào Tổng đài tư vấn pháp luật. Tôi có chút việc liên quan đến thừa kế và tặng, cho tài sản, xin được Tổng đài tư vấn. Bố tôi có hai người vợ, vợ cả có ba con, vợ hai có hai con. Tôi là con lớn của vợ cả, hiện tại bố tôi có một ngôi nhà gắn liền với đất (đây là đất Tổ tiền các Cụ để lại) chính vì thế tôi muốn giữ lại làm chỗ thờ cúng Tổ tiền, không chia, không bán. Vậy bây giờ Bố tôi làm thủ tục thừa kế hoặc cho tặng riêng tôi để tôi quản lý có được không, có đúng pháp luật không và một trong hai cách (làm thủ tục thừa kế, hay tặng cho) thì cách nào phù hợp hơn. Xin cám ơn Tổng đài tư vấn Luật Minh Gia.
Trả lời: Chào anh, cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin tư vấn về trường hợp này như sau:
Với trường hợp của anh thì bố anh có thể lựa chọn làm thủ tục lập di chúc hoặc tặng cho đều phù hợp và quy định pháp luật; tuy nhiên, vì anh có nhắc tới bố anh đang có hai người vợ thì cần lưu ý về vấn đề căn nhà này có phải là tài sản chung của vợ chồng hay không? Bởi lẽ, việc lập di chúc cũng như việc tặng cho tài sản đối với tài sản chung thì cần có sự đồng ý của cả người còn lại. Cho nên, nếu như đây không phải là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và bố anh không có giấy tờ gì nhập căn nhà này làm tài sản chung thì đây sẽ được coi là tài sản riêng của bố anh và trong việc lập di chúc hoặc tặng cho sẽ phụ thuộc vào ý chí của bố anh. Còn nếu như đây là tài sản chung thì việc để lại thừa kế hoặc tặng cho phải có sự đồng ý của người còn lại.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật thì bố anh có thể để lại di chúc và tặng cho như sau:
Thứ nhất, nếu như bố anh để lại thừa kế mảnh đất này thì bố anh sẽ để lại di chúc cho anh làm người quản lý di sản theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Tuy nhiên, với trường hợp này, với ý chí của bố anh để lại di sản dùng vào việc thờ cúng trong khi đã chỉ định cho anh làm người quản lý thì di chúc này chỉ có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế (tức là tại thời điểm bố anh mất).
Thứ hai, nếu như bố anh muốn lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nhưng với mục đích muốn anh phải giữ lại làm chỗ thờ cúng tổ tiên, không chia, không bán thì ngoài hợp đồng tặng, cho thì bên cạnh bố anh có thể làm thoả thuận ( cam kết) về việc anh phải giữ lại làm chỗ thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, đây là trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha, con nên sẽ không phải chịu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Như vậy, nếu như đây là tài sản riêng của bố anh thì bố anh có thể lựa chọn một trong hai hình thức trên để có thể giữ lại phần đất trên làm đất dùng cho việc thờ cúng tổ tiên.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất