Hoàng Thị Nhàn

Mang tài sản thừa kế chung đi thế chấp tại ngân hàng.

Nội dung cần tư vấn: Luật sư cho em hỏi về thế chấp ngân hàng là tài sản thừa kế như sau: Ông nội em có một mảnh đất khoảng 2000m2. Nhưng ông đã mất có để lại di chúc cho các con của ông. Nhưng hiện tại chú út của em đang cầm sổ tại ngân hàng.

Cho em hỏi bố mẹ em có thể rút sổ ra thay chú được không và tách sổ đỏ có gặp khó khăn gì với thím dâu không ạ vì thím em nhất quyết không làm chứng minh thư.Em nhờ luật sư tư vấn giúp ạ Em cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Ông nội bạn đã mất, để lại di chúc chia mảnh đất cho các con. Do đó,quyền sở hữu đối với mảnh đất thuộc về những người được hưởng di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Theo thông tin bạn cung cấp thì chú út của bạn đang cầm sổ đỏ của mảnh đất đó tại ngân hàng. Việc cầm sổ đỏ tại ngân hàng theo quy định của pháp luật dân sự là một hình thức thế chấp tài sản.

Theo khoản 1 điều 327 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thế chấp tài sản:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”.

Như vậy, việc mang sổ đỏ của mảnh đất đi thế chấp tại ngân hàng của chú bạn là trái với quy định của pháp luật dân sự. Người thế chấp chỉ được dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Chú bạn đã dùng tài sản của tất cả những người có quyền được hưởng di sản thừa kế đi thế chấp tại ngân hàng . Gia đình bạn cần yêu cầu chú bạn rút sổ đỏ tại ngân hàng về để làm các thủ tục chia di sản thừa kế. Nếu chú bạn không rút sổ đỏ gia đình bạn có thể nhờ sự can thiệp của Công an xã hoặc Tòa án. Bố bạn cũng có thể rút sổ đỏ nếu như có ủy quyền của chú bạn.

Sau đó, gia đình bạn cần phân chia di sản thừa kế cho những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc mà ông bạn để lại.

Việc chia di sản theo di chúc sau khi người để lại di sản thừa kế chết được thực hiện theo quy định tại điều 659 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.”

Sau khi có sự phân chia di sản rõ ràng giữa những người được hưởng di sản, nếu chú của bạn không thực hiện theo các quyết định phân chia đó thì bạn có thể đòi lại tài sản căn cứ tại Điều 164 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu:

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169