Lương công chức, viên chức được hưởng khi được cử đi học
Mục lục bài viết
1. Tư vấn chế độ tiền lương của công chức, viên chức
Tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương là một trong những quyền cơ bản của công chức, viên chức. Công chức, viên chức được trả tiền lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù. Đồng thời, được hưởng tiền lương làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí, tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định pháp luật.
Việc chi trả tiền lương cho công chức, viên chức phải được thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc có vướng mắc liên quan đến chế độ tiền lương chi trả cho công chức, viên chức thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Lương công chức, viên chức được hưởng khi được cử đi học
Nội dung yêu cầu:
Chào luật sư, Tôi hiện được cử đi học tiến sĩ nước ngoài (theo quyết định của tỉnh); cho tôi hỏi trong quá trình đi học ở nước ngoài tôi sẽ hưởng lương như thế nào?
- Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tại điều 8 khoản 4 tôi sẽ được hưởng 40% mức lương hiện hưởng: như vây theo tôi hiểu là tôi sẽ hưởng được 40%*mức lượng hiện tại sẽ nhận qua tài khoản; còn bảo hiểm xã hội sẽ hưởng 100%*mức lương hiện tại có đúng quy định không?
- Còn theo cơ quan tôi tính như thế này:
- Lương sẽ nhận qua tài khoản: 40% - 32,5%(Mức đóng bảo hiểm xã hội 2015) = 7,5%*mức lương hiện hưởng.
- Sau khi đi học về (nếu) trở về đơn vị cũ công tác thì nhà nước sẽ trả lại: 22%*mức lương hiện hưởng * số tháng đi học ở nước ngoài.
Như vậy cho tôi hỏi cơ quan tôi tính như vậy có đúng không?
Xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:
Điều 8 nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về chế độ trả lương như sau:
“ ...
4. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ thì trong thời gian ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)”.
Anh trình bày, anh được cơ quan cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Chiểu theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004 thì anh sẽ được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Điểm đ khoản 1 Mục A Thông tư 03/2007/ TT – BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 152/2006/NĐ - CP như sau:
“ 1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 2 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động;
c) Người lao động, xã viên, kể cả cán bộ quản lý làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang;
đ) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và điểm d khoản này được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công ở trong nước”.
Như phân tích ở trên, theo các điểm a, điểm đ khoản 1 nêu trên thì trường hợp của anh thuộc trường hợp vẫn phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2006 và các văn bản hưởng dẫn thi hành.
Vậy, ngoài được hưởng lương trong thời gian được cử đi nước ngoài học, trường hợp của anh vẫn phải đóng BHXH, BHTN đầy đủ. Tuy nhiên, anh không được Nhà nước chi trả toàn bộ tiền BHXH, BHTN trong thời gian đi học.
Tiểu mục 1.1, Mục 1 Công văn 1660/ BHXH – THU có hướng dẫn về mức đóng BHXH, BHTN như sau:
“ 1/ Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài:
1.1. Mức đóng BHXH, BHTN:
Theo quy định, người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; vẫn phải đóng BHXH, BHTN theo mức lương làm cơ sở trích nộp BHXH, BHTN trước khi được cử đi học tập, công tác tại nước ngoài.
Người lao động trong thời gian cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị nơi cử người lao động đi: Mức đóng hằng tháng bằng 28% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: BHXH: 26% (đơn vị: 18%, người lao động: 8%); BHTN: 2% (đơn vị: 1%, người lao động: 1%).
Người lao động trong thời gian cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài không hưởng tiền lương, tiền công: Mức đóng hằng tháng bằng 22% (quỹ hưu trí và tử tuất) tính trên mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và do đối tượng đóng toàn bộ”.
Theo đó, anh sẽ phải đóng tổng cộng 9% mức tiền lương, tiền công tháng anh hưởng trước khi đi học tại nước ngoài. Cách tính của cơ quan anh có mâu thuẫn với quy định của pháp luật, nên trường hợp này anh có đơn khiếu nại tới cá nhân có trách nhiệm giải quyết để được hướng dẫn, điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất