Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Luật sư tư vấn về việc trừ tiền lương cơ bản

Luật sư cho hỏi: Trường hợp người sử dụng lao động không bố trí được công việc cho người lao động, do không có việc nhưng sau đó lại trừ vào tiền lương như thế có vi phạm luật không? cụ thể: Chúng tôi là giáo viên của một trường Công lập (theo cơ chế tự chủ). Chúng tôi đều là hợp đồng dài hạn của trường. Gần đây do số lượng sinh viên ít nên số tiết dạy của chúng tôi không đủ so với quy định giờ dạy một năm của giáo viên. (Thậm chí có một số giáo viên không có giờ).

Theo quy định Nhà trường thì những giáo viên nợ giờ bị trừ dần tiền thu nhập tăng thêm hàng tháng. Mới đây bỗng dưng thông báo cho chúng tôi sẽ trừ bảng lương các tháng (Bao gồm cả lương cơ bản). Nếu người không có giờ có thể bị trừ gần hết lương.

Lưu ý: Người không có giờ là do Nhà trường không bố trí được giờ dạy. Vậy xin quý công ty tư vấn giúp cách làm này có đúng không. Trân trọng cám ơn.

Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Điều 12 Luật viên chức quy định về quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:

"1. Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

3. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập".

Theo quy định trên, việc nhà trường trừ dần tiền tăng thêm theo tháng do giáo viên nợ giờ là không trái với quy định pháp luật.

Theo Khoản 1 Điều 28 Luật viên chức có quy định:

"Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc".

Nhưng, lương cơ bản là một phần thỏa thuận hợp đồng làm việc giữa hai bên, nên theo quy định trên nhà trường không được tự ý trừ lương của giảng viên. Nếu trừ lương giáo viên, nhà trường cần thông báo trước 03 ngày cho giáo viên để hai bên cùng thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì vần giữ mức lương cơ bản theo hợp đồng đã giao kết.

------------

Câu hỏi thứ 2 - Phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp?

Xin chào luật sư! Cho tôi hỏi tại Điều 3 của Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ...  như sau: Việc tính, hưởng phụ cấp đặc thù hằng tháng đối với nhà giáo dạy tích hợp sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP hay là nhà giáo dạy tích hợp có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP. Xin trân thành cảm ơn!

Trả lời: Chào anh/chị! Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Cụ thể:

Điều 3. Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù

Việc tính, hưởng phụ cấp đặc thù hằng tháng đối với nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x10%.

Như vậy, đối chiếu quy định trên thì có 2 đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù là nhà giáo dạy tích hợp và nhà giáo dạy thực hành có một trong các  danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận nghệ nhân ưu tú.... Theo đó, với nội dung câu hỏi của bạn thì chỉ cần là nhà giáo dạy tích hợp thì sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù (chứng chỉ, danh hiệu chỉ là điều kiện đối với nhà giáo dạy thực hành để được hưởng phụ cấp này).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169