Hoài Nam

Luật im lặng, quyền im lặng là gì theo quy định?

Quyền im lặng là một trong những quyền cơ bản của con người đã được pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận. Vậy quyền im lặng là gì theo quy định? Ý nghĩa của quy định về quyền im lặng?

1. Thế nào là quyền im lặng?

Theo pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, quyền im lặng là một quyền hợp pháp của công dân. Theo đó, trong một vụ án, nghi phạm không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay buộc mình có tội. Nghi phạm được coi là không có tội cho đến khi có phán quyết của Tòa án chứng minh người đó phạm tội. Cơ sở để luật pháp công nhận quyền im lặng là xuất phát từ nguyên tắc xét xử dựa trên chứng cứ khách quan.

Theo một số chuyên gia cho rằng, quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình, đây là một phần nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong tố tụng hình sự.

2. Quyền im lặng trong pháp luật quốc tế và một số quốc gia

Tuy hệ thống pháp luật quốc tế không có định nghĩa về “quyền im lặng” trong bất kỳ văn bản nào song, một số công ước quốc tế, văn kiện quốc tế về quyền con người đã nhắc đến nội hàm của quyền này.

Tại Điều 12 của “Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác năm 1975” có nêu: “Bất kỳ lời khai nào đã được xác lập mà có được bởi kết quả của tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác không thể được viện dẫn làm bằng chứng chống lại người có liên quan hoặc chống lại bất kỳ người nào khác trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào”. Theo đó, có thể hiểu lời khai khi bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình không có giá trị về pháp lý.

Tại Điều 14 của “Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiếu của Liên hiệp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên năm 1985 (các quy tắc Bắc Kinh)” có nêu: “Trong bất kỳ trường hợp nào, thủ tục xét xử người chưa thành niên phạm tội cũng đều phải tuân theo những tiêu chuẩn tối thiểu được áp dụng chung cho bất cứ bị can nào theo một thủ tục được biết tới là “thủ tục pháp lý cần thiết”. Theo thủ tục pháp lý này, một sự “xét xử công bằng và chính đáng” phải có những biện pháp bảo vệ cơ bản như quyền suy đoán vô tội, quyền đưa ra nhân chứng, vật chứng, quyền được biện hộ trước tòa, quyền được im lặng, quyền được nói lời cuối cùng trong một phiên xét xử, quyền kháng cáo...

“Quyền im lặng” được áp dụng phổ biến ở các nước có mô hình tố tụng tranh tụng của hệ thống thông luật (Common Law), sau đó tiếp tục ảnh hưởng tới một số quốc gia theo mô hình tố tụng thẩm vấn của hệ thống dân luật (Civil Law).  Ở mô hình tố tụng tranh tụng, vụ án hình sự được coi như tranh chấp, xung đột pháp lý giữa các bên nên có sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bị buộc tội, cho nên có sự nhấn mạnh vai trò và năng lực tố tụng của bên bị buộc tội, như quyền thu thập chứng cứ, quyền bào chữa, quyền im lặng…Tuy nhiên, quyền im lặng không phải là quyền tuyệt đối mà nó có thể bị giới hạn trong những hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn như ở Mỹ, Đức thì quyền im lặng được ghi nhận nhưng có nghĩa là loại trừ nghĩa vụ khai báo hay như tại ở Nhật, quyền im lặng được hiểu là quyền không khai báo khi chưa có sự tư vấn, ý kiến của luật sư.

3. Quyền im lặng trong quy định của pháp luật Việt Nam

Quyền im lặng là một quyền gắn với nguyên tắc suy đoán vô tội, là một trong 15 nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự Việt Nam. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành chưa có quy định trực tiếp, cụ thể về quyền im lặng nhưng tinh thần của quyền im lặng được thể hiện gián tiếp thông qua các điều luật về nguyên tắc suy đoán vô tội, các quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo khi tham gia tố tụng.

Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) có quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội

Người bị buộc tội được quy định trong BLTTHS năm 2015 bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định của BLTTHS năm 2015 cho thấy rõ 03 nhóm nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; những nội dung đó đồng thời cũng chính là những đòi hỏi, những điều kiện cần và đủ mà nếu thiếu chúng thì một người bị buộc tội phải được coi là vô tội. Các nội dung đó là: (i) Việc chứng minh tội phạm của người bị buộc tội phải những tuân theo trình tự, thủ tục của pháp luật; (ii) Người bị buộc tội chỉ là tội phạm khi được xác định bởi bán án đã có hiệu lực pháp luật và (iii) Nếu căn cứ không đủ hoặc không thể làm sáng rõ tội phạm của người bị buộc tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng phải kết luận họ vô tội.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 15 BLTTHS thì: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.” Theo đó, trách nhiệm chứng minh có tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát), người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Như vậy, quy định tại BLTTHS hiện hành cho phép người bị buộc tội có quyền lựa chọn khai báo hoặc không khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, nếu họ tự nguyện trình bày những tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của bản thân hoặc tự nhận mình có tội thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ghi nhận lời khai đó. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội và chỉ được dùng làm chứng cứ khi nó phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án (Điều 98 BLTTHS 2015). Người bị buộc tội không phải chịu trách nhiệm hình sự vì lý do không khai báo, không khai báo cũng không bị coi là tình tiết làm tăng trách nhiệm hình sự, ngược lại khai báo thành khẩn lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

4. Ý nghĩa quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội

Quyền im lặng là một quyền gắn liền với nguyên tắc suy đoán vô tội, góp phần đảm bảo cho quá trình chứng minh tội phạm được khách quan, đảm bảo quyền con người cho người bị buộc tội và phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Chứng minh trong tố tụng hình sự là việc rất phức tạp, đòi hỏi sự đầy đủ và chính xác. Mọi sai lầm trong chứng minh tội phạm có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng con người. Vì vậy, suy đoán vô tội đòi hỏi việc chứng minh phải được diễn ra theo trình tự, thủ tục của pháp luật. Suy đoán vô tội cũng đòi hỏi tư duy của người và cơ quan tiến hành tố tụng phải theo hướng suy đoán người bị buộc tội không có tội, khi đó việc tìm các chứng cứ buộc tội sẽ diễn ra khách quan và thận trong hơn, tránh được việc sử dụng nhục hình, ép cung để nhận tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội còn đảm bảo cho quyền được bào chữa của người bị buộc tội. Nếu coi là có tội ngay từ quá trình khởi tố thì đến khi xét xử việc bào chữa của bị cáo chỉ mang ý nghĩa về mặt hình thức, không đảm bảo được sự công tâm trong xét xử, dễ dẫn đến những oan sai, làm công dân mất niềm tin vào pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169