Hoài Nam

Lời hứa miệng có là căn cứ hợp pháp?

Kính thưa luật sư! Năm nay con vừa tròn 18 tuổi, hiện đang học 12 thì có một số biến cố xảy ra với gia đình con về chuyện đất đai ạ.

 

Ông nội con có 8 thửa ruộng và có 6 người con, và cha con là con trai út ở chung với ông bà nội từ nhỏ tới giờ, lúc ông nội còn sống thì có hứa cho con gái út (tức là em gái của ba con) lỡ mà lấy chồng nghèo khổ thì cho út 1 thửa đất để bán lấy tiền mà làm ăn sinh sống. Ông nội chỉ hứa thôi chứ không có giấy tờ gì hết ạ và út đã lấy chồng làm nghề kinh doanh rất giàu có. Ông nội con mất nay cũng tròn 5 năm rồi thì cách đây 2 tháng út vô bảo với ba con là phải chia cho út phần đất như lời ông nội hứa và nói là ba con sẽ không nhận được tiền bồi thường cho phần công sức 18 năm qua một mình ba con cải tạo từ đất ruộng trồng lúa thành đất vuờn trồng sầu riêng và vú sữa đã ăn quả là đúng hay sai pháp luật ạ? Ba con là con trai út nên phụng dưỡng ông nội đến hết đời và phải chăm sóc bà nội bi bệnh tai biến cách đây đã 3 năm. Vậy nên xin hỏi luật sư bà nội và ba con không tặng 1 thửa đất cho út thì út có thể lấy được như lời ông nội hứa không ạ? Và nếu lỡ như nội và ba có nghĩ chút tình cảm mẹ con, anh em, mà đem 1 thửa đất đó cho, tặng út thì út phải có trách nhiệm và nghĩa vụ là chi trả tiền công cho thửa ruộng mà ba con cải tạo 18 năm qua là đúng hay sai ạ? Theo con suy nghĩ là út con đã vi phạm pháp luật về tội xâm phạm quyền sử dụng đất của chủ sở hữu mà không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh thửa đất đó là của út phải không Luật sư? Theo như tình huống con nêu ra như trên thì ai vi phạm pháp luật? Và công văn nghị định cũng như mức phạt dành cho người vi phạm pháp luật sẽ như thế nào vậy luật sư?... Kính mong luật sư cho con lời giải đáp và con xin chân thành cám ơn ạ.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Khoản 5, Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định:

 

"5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."

 

Căn cứ theo quy định này thì lời hứa của ông nội của bạn trước khi mất với cô út về việc sẽ cho cô út một thửa đất không có giá trị pháp lý, đó không được coi là di chúc của ông nội bạn do không phù hợp với quy định của pháp luật về di chúc miệng hợp pháp. Vì lời hứa đó không có giá trị pháp lý nên bà nội và ba của bạn không bắt buộc phải cho cô út một thửa đất theo như lời ông nội đã hứa.

 

Trong trường hợp này, cô út chỉ có thể đòi chia di sản thừa kế mà ông nội của bạn để lại. Ông nội của bạn không để lại di chúc thế nên di sản của ông sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế là bà nội của bạn và các con của ông bà nội (6 người con). Do vậy, cô út cũng có phần trong toàn bộ di sản mà ông bạn để lại. Cũng theo những thông tin mà bạn đã cung cấp thì cô út cũng chưa có bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào để có thể kết luận là xâm phạm quyền sử dụng đất nên sẽ không có bất kỳ hình thức xử phạt nào cho cô út cả.

 

Còn về việc ba của bạn cải tạo từ đất ruộng trồng lúa thành đất vuờn trồng sầu riêng và vú sữa đã ăn quả trong 18 năm qua trên mảnh đất của ông nội của bạn, ba của bạn được xem là người quản lý di sản của người chết để lại. Khi tiến hành chia di sản, các đồng thừa kế sẽ tiến hành thỏa thuận thanh toán cho ba bạn công sức cải tạo đất và phần tài sản (cây ăn quả) nằm trên đất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Lời hứa miệng có là căn cứ hợp pháp?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo