Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Lập di chúc chung của vợ chồng thế nào?

Hiện nay, việc lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Thông thường, người có tài sản sẽ lập di chúc riêng của mình nhưng cũng có những trường hợp vợ, chồng muốn lập di chúc chung. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành, vợ chồng lập di chúc chung có được không?

1. Di chúc là gì?

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, di chúc là việc thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải bất cứ chủ thể nào khác, mục đích của việc lập di chúc là chuyển dịch tài sản là di sản của mình cho người khác.

2. Quyền lập di chúc chung của vợ chồng

Theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc định đoạt tài sản chung. Theo đó, tài sản chung của vợ, chồng bao gồm: (i) Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; (ii) Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập khác trong thời kỹ hôn nhân; (iii) Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung và (iv) Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo đó, đối với tài sản chung của vợ, chồng thì vợ chồng sẽ có quyền chung trong việc định đoạt khối tài sản chung đó thông qua việc lập di chúc chung.

3. Hình thức và nội dung di chúc chung của vợ chồng

Về hình thức của di chúc, theo quy định tại Điều 627 BLDS 2015, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được thực hiện trong trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa và không thể di chúc bằng văn bản. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Về nội dung di chúc, để đảm bảo di chúc rõ ràng, mạch lạc, thực hiện được trên thực tế thì pháp luật đã quy định những nội dung chủ yếu phải có trong di chúc, bao gồm:

  • Ngày, tháng, năm lập di chúc;
  • Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
  • Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
  • Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài những nội dung đã liệt kê như trên, di chúc có thể có các nội dung khác như quy định về dành một phần di sản để thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản…

4. Thời điểm và điều kiện có hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng

Thời điểm có hiệu lực di chúc chung của vợ chồng là thời điểm vợ, chồng chết. Để di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực và thực thi được trên thực tế thì di chúc đó phải được lập hợp pháp.

Theo quy định tại Điều 630 BLDS 2015, di chúc chung của vợ chồng được coi là hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện sau:

  • Vợ, chồng minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc;
  • Vợ, chồng không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
  • Hình thức di chúc không trái quy định pháp luật.

Như vậy, tại BLDS 2015 đang có hiệu lực thi hành thì không có quy định cụ thể về việc lập di chúc chung của vợ chồng, bởi vì khi muốn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm vợ chồng lập di chúc chung nên vợ, chồng có quyền lập di chúc chung nhưng để tránh những tranh chấp phát sinh, vợ chồng nên lập di chúc riêng của mỗi người.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo