Nguyễn Ngọc Ánh

Lắp đặt đường dây tải điện qua thửa đất của người khác

Kính chào các luật sư công ty luật! Em nhờ anh chị tư vấn giúp em vấn đề liên quan đến đường dây điện đi qua miếng đất nhà em.Hiện nay em có mảnh đất rộng 30m2, và đã được cấp phép xây dựng tháng 2/2017, cho phép xây dựng nhà 4 tầng.

 

Nội dung yêu cầu: Tuy nhiên, trước mặt nhà em có 1 cột điện và có các đường dây dẫn điện sau công tơ đi vào nhà các hộ dân trong ngõ đằng sau mảnh đất nhà em (có 6 hộ gia đình) -->dây điện đi giữa miếng đất nhà em và lưng nhà bên cạnh -->nhà em sẽ không thể xây được nếu điện lực không di dời.Em đã liên hệ với bên điện lực thì họ trả lời nếu di dời phải làm đơn xin ý kiến các hộ liên quan và các chi phí liên quan sẽ phải tự chi trả (họ còn yêu cầu phải thay thế dây to hơn dây hiện tại do từ năm ngoái các hộ lắp mới đã chuyển sang dây mới) Nhưng vấn đề nằm ở chỗ:1 là đây là mảnh đất nhà em, khi họ lắp dây họ đã không tham khảo ý kiến gia đình mà tự ý lắp đặt (do nhà em không phải ở gần mảnh đất này nên không hay biết họ lắp từ lúc nào)-->điện lực có đúng không?2. Họ có trả lời thêm là dây điện đó là tài sản của các hộ dân đó, nếu em không đồng ý cho dây đi qua em có quyền tháo bỏ -->điều đó có đúng không ạ (em nghĩ là dù gì cũng là hàng xóm làm như vậy sẽ không hay và cũng là cách trả lời vô trách nhiệm của họ, do điện ai dám tự ý động vào).3. Chi phí di dời sẽ do gia đình em chi trả hay bên điện lực sẽ chịu toàn bộ chi phí di dời.4. Ở đây em thấy có mối quan hệ phức tạp giữa gia đình em - các hộ dân, điện lực - hộ dân, và điện lực địa phương - gia đình em.Nhờ anh chị tư vấnEm xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi tự ý lắp đặt đường dây tải điện qua diện tích đất thuộc quyền sở hữu của gia đình anh.

 

Bộ luật dân sự 2005 quy định:

 

Điều 173. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản

1. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật.

 

2. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm:

 

a) Quyền sử dụng đất;

 

b) Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề;

 

c) Các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

 

3. Việc chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác không phải là căn cứ để chấm dứt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó quy định tại khoản 2 Điều này .

 

4. Các quyền đối với tài sản của người không phải là chủ sở hữu được bảo vệ theo quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.

 

5. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản phải đăng ký bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo thoả thuận và các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

 

Điều 273. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

 

Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác”.

 

Theo quy định của pháp luật, những người hàng xóm mặc dù không phải chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất trên nhưng có quyền được sử dụng hạn chế để đảm bảo nhu cầu của mình về đường dây tải điện. Tức, 6 hộ dân trên có quyền đề nghị gia đình anh cho phép để đường dây tải điện của gia đình họ đi qua thửa đất nhà anh.

 

Tuy nhiên, việc sử dụng hạn chế bất động sản liền kề một cách hợp lý, theo thỏa thuận với anh và phải có đền bù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Anh có trình bày: “khi họ lắp dây họ đã không tham khảo ý kiến gia đình mà tự ý lắp đặt (do nhà anh không phải ở gần mảnh đất này nên không hay biết họ lắp từ lúc nào). Căn cứ Điều 173, Điều 273 BLDS 2005 và  phân tích trên, hành vi tự ý lắp đặt đường dây tải điện qua thửa đất nhà anh mà không hỏi ý kiến, cũng như chưa được sự đồng ý, chưa có thỏa thuận đền bù là hành vi trái quy định của pháp luật. Anh có quyền đề nghị 6 hộ dân trên có phương án lắp đặt các đường dây tải điện trên một cách hợp lý, phù hợp với mục đích, nhu cầu sử dụng của các bên.

 

Thứ hai, về trách nhiệm bỏ chi phí lắp đặt lại đường dây tải điện.

 

Điều 8 Quy trình kinh doanh áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-EVN-KD&ĐNT ngày 2/1/2008 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định cụ thế chi phí đầu tư của các bên mua, bán điện đối với lưới điện hạ áp:

 

8.1- Trách nhiệm của các bên thanh toán chi phí:

 

a. Các khoản chi phí do Đơn vị Điện lực đầu tư:

 

- TI (trừ trường hợp có thỏa thuận khác); công tơ; thiết bị bảo vệ sau công tơ (áp tô mát hoặc cầu chì…); hộp công tơ; phụ kiện để treo công tơ; dây dẫn điện đến công tơ (dây dẫn, xà, sứ, ghíp...);

 

- Chi phí nhân công để lắp đặt từ lưới phân phối hạ áp đến công tơ và thiết bị bảo vệ sau công tơ;

 

- Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nước.

 

b. Các khoản chi phí do khách hàng thanh toán thông qua dịch vụ (nếu có), gồm:

 

- Vật tư và nhân công để lắp đặt dây sau công tơ (trừ áp tô mát hoặc cầu chì sau công tơ);

 

- Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nước”.

 

Theo như phân tích trên, anh có quyền đề nghị các hộ gia đình trên lắp đặt hợp lý đường dây tải điện thuộc quyền sở hữu của gia đình. Và căn cứ Điều 8 nêu trên thì mọi chi phí vật tư và nhân công đề  lắp đặt dây sau công tơ thuộc trách nhiệm của từng hộ sử dụng điện trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh