Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Lao động bị mất việc làm có được hưởng trợ cấp không?

Trợ cấp mất việc làm là vấn đề mà người lao động quan tâm khi bị mất việc. Đây là khoản tiền mà người lao động được nhận sau khi nghỉ việc ở công ty dựa vào quá trình làm việc là đóng góp của họ tại công ty. Pháp luật lao động có quy định về trợ cấp mất việc làm như sau:

Câu hỏi thứ nhất:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Cho tôi hỏi quy định pháp luật Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Bộ luật lao động hay thêm những loại trợ cấp nào nữa, mong luật sư giải đáp giúp, tôi xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 47 Bộ luật lao động 2019 được hướng dẫn bởi khoản 2 đến khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trợ cấp mất việc làm như sau:

“1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, người lao động mất việc làm có thể được hưởng trợ cấp mất việc làm nếu đáp ứng các điều kiện sau: thứ nhất, mất việc làm vì công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; hoặc công ty chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp,chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; thứ hai người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên. Đồng thời, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm vẫn còn dư sau khi lấy thời gian người lao động đã làm việc thực tế trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Câu hỏi thứ hai: Quy định về chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư cho tôi hỏi vấn đề. Tôi đang công tác tại phòng nội vụ của 1 huyện trong tỉnh, tôi làm hợp đồng đã hơn 1 năm. Cuối năm đơn vị tôi tính tăng thu nhập nhưng tôi không được tính tăng thu nhập, thủ trưởng đơn vị nói rằng theo quy định tôi 2 năm đầu làm việc sẽ không được tính tăng thu nhập, qua năm thứ 3 mới được tính. Vậy cho tôi hỏi là quy định nào có quy định cụ thể về đối tượng được hưởng tăng thu nhập. Xin trân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính như sau:

 Điều 3. Quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính

...

8. Chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động:

 a) Cách xác định:

 Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và người lao động. Quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm một năm được xác định theo công thức:

QTL = Lmin x K1 x K2 x L x 12 tháng

 Trong đó:

 QTL: Là Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ của cơ quan được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;

 Lmin: Là mức lương cơ sở (đồng/tháng) hiện hành do nhà nước quy định;

 K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập (tối đa không quá 1,0 lần);

 K2: Là hệ số lương ngạch, bậc, chức vụ bình quân của cơ quan;

L: Là số biên chế được giao và số lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 b) Trả thu nhập tăng thêm:

 Trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi trên đây, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.

Như vậy, trên cơ sở nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương cho các đối tượng cán bộ, công chức và người lao động theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công việc cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn. Theo đó, trong trường hợp của bạn việc thủ trưởng đơn vị thông báo 2 năm đầu làm việc của bạn sẽ không được tính tăng thu nhập là không phù hợp với quy định nêu trên.

Bạn có thể khiếu nại đến lãnh đạo đơn vị để được giải quyết quyền lợi của mình.

Trân trọng!

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn