Nguyễn Thu Trang

Làm giả bằng lái xe (ô tô, xe máy) bị xử lý thế nào?

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội hoặc mạng Internet có rất nhiều quảng cáo mua bằng lái xe ô tô, xe máy. Vậy hành vi làm giả bằng lái xe của những đối tượng này bị xử lý thế nào? Luật Minh Gia trả lời như sau:

Tình trạng làm giấy phép lái xe (bằng lái xe) giả đã và đang được xử lý mạnh tay trong thời gian qua. Cụ thể, các cơ quan như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và lực lượng công an tại địa phương đã phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý tình trạng làm giả bằng lái xe, mua bán bằng lái xe. Hành vi làm giả bằng lái xe là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đế trật tự quản lý hành chính, đặc biệt, hậu quả của việc làm giả bằng lái xe cho các đối tượng để tham gia giao thông hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng: mất trật tự về an toàn giao thông, giúp sức tích cực cho các tội phạm về buôn lậu, vận chuyển ma túy,…

1. Căn cứ pháp lý

Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

2. Phân tích hành vi làm giả Giấy phép lái xe (bằng lái xe)

Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng. 

Như vậy, bằng lái xe là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Do đó, hành vi làm giả bằng lái xe là việc làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức như: sử dụng con dấu giả, in bằng giả,… Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam bởi xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính.

Thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau: 

Điều 29. Cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).

2. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).”

Như vậy, chỉ có Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe.

Trên thực tế và theo quy định của pháp luật, ai cũng biết và buộc phải biết để được cấp Giấy phép lái xe cần phải trải qua rèn luyện, đào tạo và đạt kết quả của kỳ thi sát hạch. Tuy nhiên với việc làm giả Giấy phép lái xe, những người có tên trên Giấy phép lái xe không cần thi sát hạch, không cần nộp hồ sơ theo quy định mà chỉ cần chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân. Các đối tượng làm giả bằng lái xe sẽ làm giả con dấu, phôi Giấy phép lái xe, chữ ký,… có trên Giấy phép lái xe của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe.

3. Hình phạt với hành vi làm giả bằng lái xe

Căn cứ quy định điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Theo quy định nêu trên thì hành vi làm giả bằng lái xe sẽ có hình phạt (phạt tiền hoặc phạt tù kèm theo phạt tiền) căn cứ theo số lượng con dấu, tài liệu giả (số lượng bằng lái xe bị làm giả); các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; số lợi thu bất chính; mục đích làm giả bằng lái xe; nhân thân người vi phạm;…

Nếu có vướng mắc về hình phạt của tội danh này, bạn có thể liên hệ trực tiếp cho Luật Minh Gia để được giải đáp cụ thể.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo