Trần Tuấn Hùng

Làm chứng minh nhân dân giả để bán nhà

Luật sư tư vấn trường hợp làm chứng minh nhân dân giả để bán nhà và bị phát hiện. Trách nhiệm của người làm giả chứng minh nhân dân như thế nào?Nội dung cụ thể sau:

Ba em làm chứng minh nhân dân giả để bán nhà nhưng bị phát hiện bị tịch thu giấy tờ nhà và giấy tờ tùy thân của ba và mẹ tới nay đã hơn 4 tháng mà Công an không đưa biên nhận đã lấy những giấy tờ đó. Mẹ em đã nhiều lần lên Công an quận xin lại giấy tờ nhà, hộ khẩu, và chứng minh nhân dân của mẹ để sang tên bán nhà cho người ta nếu không người mua nhà kiện mẹ em vì tội làm sai hợp đồng mua bán nhà vì chưa sang tên cho họ hơn 1 tháng nay. Vậy mẹ em có lấy lại được giấy tờ nhà không? Bao lâu mới lấy lại được? Ba em có bị phạt tù không?quy định thế nào và bên mua nhà có kiện mẹ em ra tòa vì không làm đúng thỏa thuận ban đầu không?

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định. Nhằm đảm bảo thuận tiện trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

 

 Vì vai trò đặc biệt quan trọng nên pháp luật quy định chỉ cơ quan Công an mới có thẩm quyền được cấp chứng minh nhân dân cho công dân. Hành vi làm giả chứng minh nhân dân của bố bạn tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

 

Tại  khoản 3, Điều 9, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

 

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân;

 

b, Làm giả chứng minh nhân dân;

 

c, Sử dụng chứng minh nhân dân giả.”

 

Vậy thì trong trường hợp này, bạn có thể bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

 

Tuy nhiên thì với hành vi của bạn, cũng có thể cấu thành tội tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:

 

"Điều 341.Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

 

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Mức phạt đối với tội danh này là từ năm triệu đồng đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."

 

Do đó, tùy theo mức độ vi phạm mà bố bạn có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

 

Về thời hạn trả lại giấy tờ nhà gồm 2 trường hợp:

 

Trường hợp 1: Bố bạn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính thì việc trả lại giấy tờ nhà sẽ được thực hiện như sau:

 

 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định:

 

”Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

 

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

 

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

 

2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

 

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, trường hợp của bạn do thông tin bạn cung cấp không nói rõ cơ quan Công an có lập biên bản hay không nên chúng tôi mặc định trường hợp này đã có biên bản để tư vấn.

 

Đối chiếu với quy định nêu trên thì cơ quan Công an đã tịch thu giấy tờ của bố mẹ bạn đến 4 tháng mà chưa trả là sai quy định của pháp luật về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bạn có thể làm đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Công an  theo Luật Tố cáo năm 2012.

 

Trường hợp 2: Bố bạn bị xử phạt hình sự thì được xử lý như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại điều 62 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định:

 

"1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

 

2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

 

3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến."

 

Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

 

4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.”

 

Như vậy, nếu bị xử phạt về tội hình sự thì toàn bộ hồ sơ, giấy tờ sẽ được chuyển sang cho cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, việc trả lại giấy tờ của bạn được thực hiện theo Bộ luật tố tụng hình sự.

 

Về việc bên mua nhà có thể kiện mẹ bạn ra Tòa án không:

 

Trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, nếu các giao dịch dân sự mà vô hiệu cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu.  Điều 132 BLDS 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa như sau:

 

"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, Bố bạn đã có hành vi cố ý làm chứng minh thư giả để cho bên mua nhà hiểu sai về chủ sở hữu căn nhà nên bên mua nhà mới xác lập hợp đồng mua bán. Vì hợp đồng này thuộc vào trường hợp vô hiệu do pháp luật quy định nên có hậu quả là giao dịch này không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập. Hai bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Gia đình bạn trả lại tiền còn bên kia trả lại đất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Làm chứng minh nhân dân giả để bán nhà. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV: La Điểm- Công Ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169