Lò Thị Loan

Không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì xử lý thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp không được thực hiện giao dịch vay nhưng bỗng nhiên có khoản vay đứng tên mình và liên tục bị gọi điện đòi nợ làm phiền. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và hướng giải quyết ra sao?

1. Tư vấn về vấn đề không được vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ

Khi khoa học công nghệ ngày càng trở nên phát triển, thì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân càng quan trọng. Việc để lộ thông tin cá nhân như địa chỉ, họ tên, thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, căn cước công dân,… từ đó những kẻ gian có thể lấy thông tin của bạn để tiến hành thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như cầm cố, vay tiền,… Đây là một trong những rủi ro dẫn đến việc bạn không được thực hiện các giao dịch vay tiền nhưng bạn vẫn bị các ngân hàng, tổ chức tín dụng báo đang có một khoản vay và yêu cầu thanh toán. Kèm theo đó là các hành vi gọi điện đòi nợ liên tục đến bản thân, gia đình bạn bè, đăng hình ảnh bạn lên các trang mạng xã hội, bôi nhọ danh dự nhân phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Vậy khi gặp trường hợp không được vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ này thì phải xử lý như thế nào?

Để được tư vấn cụ thể của mình bạn hãy liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:

2. Tư vấn về cách xử lý khi không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ

Câu hỏi:

Tháng trước tôi có muốn vay tiền nên có liên hệ 1 bạn qua facebook, sau đó em đã cung cấp thông tin cá nhân như: CMND + Bằng lái xe + Ảnh chân dung kèm CMND của mình. Tuy nhiên sau đó bạn kia báo lại với tôi là không vay được. Đến tháng này tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi nói tôi có khoản nợ bên app của họ cần trả gấp. Tôi giải thích nhưng không được, sau đó thì họ còn gọi cho cả người thân của tôi để làm phiền, gây áp lực. Đến mấy hôm nay thì tôi vừa bị khủng bố vừa bị họ đăng hình lên các trang mạng xã hội và rải tờ rơi nơi tôi sinh sống để bôi nhọ danh dự tôi. Trong trường hợp này tôi phải xử lý như thế nào ạ. Hiện tại tôi đang có số tài khoản ngân hàng của người lừa đảo tôi ạ.

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề nghĩa vụ trả nợ khi không được thực hiện giao dịch vay

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“ Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, quan hệ vay tiền chỉ hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 466 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên cho vay như sau:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ nếu có khoản vay. Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn có nhu cầu vay tiền nên liên hệ với một bạn qua facebook, tuy nhiên sau đó bạn bên cho vay báo lại với bạn là bạn không vay được. Do đó, quan hệ vay giữa bạn và bên cho vay chưa phát sinh nên bạn sẽ không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Tuy nhiên, do bạn có cung cấp: CMND + Bằng lái xe + Ảnh chân dung kèm CMND của mình nên có thể bạn bị lấy cắp thông tin để thực hiện giao dịch vay. 

Thứ hai, cách xử lý khi bị gọi điện làm phiền, bôi nhọ danh dự nhân phẩm

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn nhận được rất nhiều cuộc gọi nói bạn có khoản nợ bên app của họ cần trả gấp. Mặc dù bạn đã giải thích nhưng không được, sau đó thì họ còn gọi cho cả người thân của bạn để làm phiền, gây áp lực và đăng hình bạn lên các trang mạng xã hội và rải tờ rơi nơi bạn sinh sống để bôi nhọ danh dự nhân phẩm của bạn.

Theo đó, như đã phân tích ở trên, trong trường hợp bạn không vay thì bạn không có nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên khi bị đòi nợ dù không vay tiền thì bạn có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng từ liên quan đến giao dịch vay như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất, vay của cá nhân, tổ chức nào… Đồng thời, bạn có thể trình báo sự việc nêu trên cho cơ quan công an nơi bạn đang cư trú kèm theo các tài liệu thông tin để cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý.

Ngoài, đối với hành vi, sử dụng hình ảnh bạn đăng lên các trang mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn thì theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì bên cho vay thực hiện hành vi đó còn có thể bị xử lý như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Vì vậy, thông qua tình huống trên, để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ, mỗi người cần phải hết sức cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào của mình cho người lạ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo