LS Vy Huyền

Không thực hiện theo thỏa thuận trong tranh chấp đất đai

Hiện phần đất phía sau nhà tôi thuộc quyền sử dụng đất của tôi và có giấy tờ đàng hoàng, trong quá trình kiện đến khi gần ra tòa thì người hàng xóm tranh chấp đất nhà tôi lại đồng ý trả đất và 2 bên đã lập biên bản cam kết trả đất sau 3 ngày kể từ ngày làm giấy cam kết

Nhưng sau 1 ngày người hàng xóm này lại qua nhà tôi nói lại nhà tôi là không trả đất nữa và sau có còn cố ý tổ chức xây kiên cố lại phần đất phía sau nhà tôi. Vậy theo luật sư bây giờ tôi phải làm như thế nào và liệu sau này đòi lại được đất tôi có phải đền bù lại những tài sản mà nhà hàng xóm này cố ý xây sau khi lập biên bản trả lại đất cho nhà tôi hay không. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư và chúc sức khỏe !

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi chưa xác định được vấn đề thỏa thuận của bạn và gia đình hàng xóm được thực hiện như thế nào do đó chúng tôi chia thành các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu các bên tự thỏa thuận với nhau và phía nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện tại Tòa án

Nếu hai bên đã thỏa thuận và phía nguyên đơn đã rút toàn bộ đơn khởi kiện trong trường hợp này thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật dân sự 2015:

“c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;”

Khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

“1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

“3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu thuộc trường hợp này, bên còn lại không thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết thì gia đình bạn có quyền khởi kiện lại yêu cầu tòa án giải quyết.

Trường hợp 2: Nếu các bạn đã thỏa thuận và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó

Nếu các bạn đã thỏa thuận về vấn đề trả lại đất tại Tòa án và Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thảo thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Sau khi có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà một bên không thực hiện theo đúng quy định thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện.

Trường hợp 3: Nếu các bạn tự thỏa thuận và không đưa vấn đề thỏa thuận này lên Tòa

Nếu đây là bản cam kết do các bạn tự lập ở nhà và không thông báo cho Tòa án về vấn đề thỏa thuận đó, sau đó phía hàng xóm không thực hiện theo thỏa thuận thì vụ việc này của gia đình bạn vẫn được Tòa án xem xét giải quyết theo đúng thời gian, trình tự đã được thông báo cho hai gia đình.

Trong các trường hợp trên, do phía hàng xóm có hành vi xây dựng tài sản trái phép trên đất nhà người khác nên gia đình hàng xóm phải tháo dỡ công trình và gia đình bạn không phải bồi thường.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169