Trốn nghĩa vụ quân sự là gì? Không khám tuyển NVQS có bị phạt?
1. Điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời bình tuy nhiên nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng, tiên quyết và được đặt lên hàng đầu do vậy, việc tham gia nghĩa vụ quân sự vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân.
Tuy nhiên không phải tất cả các công dân đều đủ điều kiện nhập ngũ, để được tham gia quân ngũ, công dân phải đáp ứng được điều kiện tuyển quân nhất định. Điều kiện tuyển quân hiện nay chủ yếu gồm 4 yếu tố: Yếu tố tuổi đời, tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe và trình độ văn hóa. Cụ thể:
- Về tuổi đời: công dân nhập ngũ phải nằm trong độ tuổi từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Đối với công dân nam được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự vì lí do tham gia đào tạo trình độ đại học, cao đẳng trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì độ tuổi nhập ngũ là hết 27 tuổi.
- Về tiêu chuẩn chính trị: công dân khi nhập ngũ phải đáp ứng được tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An về tuyển chọn quân ngũ.
- Tiêu chuẩn về sức khỏe: tuyển chọn vào quân ngũ những công dân có sức khỏe loại 1,2,3. Không tuyển chọn những công dân sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt như cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ, nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.
- Tiêu chuẩn về văn hóa: tuyển chọn công dân có trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên, các địa phương bị thiếu chỉ tiêu có thể xem xét tuyển chọn công dân có trình độ văn hóa lớp 7 nếu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
2. Trốn nghĩa vụ quân sự là gì?
Công dân khi đến tuổi gọi nhập ngũ và nhận được quyết định gọi nhập ngũ của cơ quan có thẩm quyền thì có trách nhiệm chấp hành theo lệnh gọi nhập ngũ đó, hành vi không tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự, không chấp hành yêu cầu phù hợp của cơ quan có thẩm quyền khi tuyển quân, bỏ đi khỏi địa phương sau khi có lệnh gọi khám nghĩa vụ quân sự hoặc lệnh tuyển quân… được xác định là hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Hành vi trốn tránh không tham gia nghĩa vụ quân sự khi có lệnh gọi từ cơ quan có thẩm quyền của công dân là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này không chỉ thể hiện thái độ, tình thần, trách nhiệm của công dân đó với quốc gia, dân tộc mà còn có thể dẫn đến các rủi ro không đáng có cho chính bản thân công dân đó.
Hành vi trốn tránh không tham gia nghĩa vụ quân sự tùy từng trường hợp và mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn nữa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hành vi trốn nghĩa vụ quân sự thông thường như:
- Từ chối nhận thông báo về việc tham gia tuyển chọn nghĩa vụ quân sự;
- Từ chối không đến tham gia khám nghĩa vụ quân sự đúng thời gian, địa điểm theo yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền;
- Không đến địa điểm tập kết giao quân theo lệnh tuyển quân;
- Trốn khỏi địa phương khi đã nhận được thông báo về việc tham gia khám nghĩa vụ quân sự hoặc khi đã nhận được thông báo về việc đủ điều kiện nhập ngũ;
- …
3. Không khám tuyển nghĩa vụ quân sự có bị phạt không?
Như đã phân tích, điều kiện về sức khỏe là một trong những điều kiện bắt buộc khi tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ quân sự. Công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi nhận được thông báo về việc tham gia khám tuyển quân đều có nghĩa vụ phải thực hiện. Hành vi không chấp hành việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo các hình thức sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP có quy định về Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.”
Như vậy, hành vi không tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt với các mức tiền theo quy định nêu trên.
- Xử lý hình sự:
Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:
“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
4. Giải quyết tình huống
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em chào luật sư.Em có vài vấn đề về luật nghĩa vụ quân sự cần luật sư giải đáp giúp em như sau ạ:
Vấn đề thứ nhất: Trong quá trình em theo học cao đẳng em vẫn khám sức khỏe theo lệnh triệu tập khám sức khỏe quân sự nơi em ở, nhưng khộng đạt tiêu chuẩn thì lệnh gọi nhập ngũ của em là đến 25 tuổi hay là 27 tuổi.
Vấn đề thứ hai: em cao 1m7, cân nặng 50kg và huyết áp e hay tăng thì em có đủ tiêu chuẩn để gọi nhập ngủ không?
Vấn đề thứ ba: Khi có lệnh gọi khám sức khỏe mà em không về khám thì mức xử phạt là như thế nào.Mong luật sư tư vấn giúp em ba vấn đề trên.Em xin cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với nội dung bạn vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:
Thứ nhất về tuổi gọi nhập ngũ
Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định Độ tuổi gọi nhập ngũ
"Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi."
Như vậy, nếu anh được tạm hoãn gọi nhập ngũ vì lý do không đáp ứng được tiêu chuẩn về sức khỏe không phải tạm hoãn vì lý do đi học cao đẳng thì tuổi gọi quân chỉ thực hiện hết tuổi 25.
Thứ hai, về điều kiện sức khỏe
Theo quy định mục số 97 thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BTP-BYT thì nếu bạn bị tăng huyết áp độ 1,2,3 thì sẽ được xếp vào nhóm sức khỏe loại 4,5 hoặc 6 tùy từng mức độ tăng huyết áp. Theo quy định chỉ tuyển chọn công dân có sức khỏe loại 1,2,3 do đó nếu bạn bị tăng huyết áp ở các cấp độ 1,2,3 thì sẽ không đủ điều kiện về sức khỏe tuyển quân.
Thứ ba, về xử phạt khi không có mặt tại nơi khám sức khỏe theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP có quy định về Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, nếu bạn không có mặt đúng thời gian, địa điểm khám sức khỏe mà không có lí do chính đáng bạn có thể bị xử phạt với mức từ 10 đến 12 triệu đồng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất