Luật gia Nguyễn Nhung

Khi gây tai nạn giao thông phải bồi thường như thế nào?

Luật sư tư vấn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin tư vấn giúp như sau: Ngày 25/7/2017 trên đường đi làm về tôi điều khiển xe ô tô gây tai nạn với người đàn ông điều khiển xe mô tô rẽ ngang sang đường. Sau đó đưa người bị nạn lên bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán rách phần gót chân và khâu 10 mũi (Chỉ bị phần mềm, các xương và gân không vấn đề gì) điều trị trong vòng 1 tuần thì ra viện, trong thời gian đó gia đình tôi vẫn qua lại thăm hỏi, động viên. Thế nhưng khoảng 1 tuần sau người bị tai nạn vẫn bị đau và tôi đã chở lên bv chụp phim xác định bị rạn xương nhỏ ở khoeo chân phải nẹp cố định và sử dụng nạng để đi lại (dự kiến khoảng 6-8 tuần là hồi phục hoàn toàn). Hai bên cũng đồng ý giải quyết tình cảm và bên bị hại đưa ra tổng số tiền là: 42.000.000 (bốn hai triệu đồng) bao gồm: Bồi thường cho con người: 25 tr; chi phí 2 tháng lương lái xe tải: 15tr; sửa xe máy: 2tr). Tuy nhiên, tôi thấy họ đòi bồi thường nhiều quá nên ra về để bàn bạc với gia đình rồi sẽ trả lời sau. Xin Công ty luật Minh Gia tư vấn giúp trong t/h này tôi bồi thường bao nhiêu tiền là đủ và hợp lý. Trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luật Minh Gia, vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Trong thông tin bạn không nói rõ rằng ở đây “lỗi” thuộc về bên nào. Tuy nhiên, xác định đây là nguồn nguy hiểm cao độ cho nên bạn là chủ sở hữu chiếc xe nên vẫn phải  bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp sau:

 

+Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

 

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 như sau:

 

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

 

Những thiệt hại mà bên kia có quyền yêu cầu bạn phải bồi thường:

 

- Đối với xe bị hư hỏng: Điều 589 Luật dân sự 2015 có quy định:

 

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

+ Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

+ Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

 

- Đối với sức khỏe bị tổn hại: Điều 590 Luật dân sự 2015 bao gồm những khoản sau:

 

+  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

 

Ngoài ra, nếu người kia chứng minh được có tổn thất về tinh thần, bạn còn có thể phải bồi thường cho người kia tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm là tối đa không quá 50 mức lương cơ sở.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV tư vấn: Phan Huyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169