Luật gia Nguyễn Nhung

Hợp tác đầu tư chứng khoán không trả tiền phải làm sao?

Đầu tư chứng khoán là một hoạt động đang ngày càng được nhiều người quan tâm. Chính vì thế mà chứng khoán và thị trường chứng khoán đang trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn tại Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư, nhiều người cũng không khỏi tránh phải những khó khăn, bất cập điển hình là không được nhận lại tiền đầu tư. Vậy đầu tư chứng khoán nhưng không được trả lại tiền đầu tư thì làm sao? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Chứng khoán là gì? Thế nào là đầu tư chứng khoán?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì chứng khoán được xác định là một loại tài sản. Chứng khoán sẽ bao gồm các loại sau:

- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

- Chứng khoán phái sinh;

- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Còn theo khoản 15 Điều 4 Luật này, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong hoạt động đầu tư chứng khoán có tồn tại một quan hệ dân sự về hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể là mua bán chứng khoán. Do đó, đầu tư chứng khoán được hiểu là việc bên bán (tổ chức phát hành) chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho bên mua (nhà đầu tư) và được bên mua trả tiền.

2. Hợp tác đầu tư chứng khoán không trả tiền phải làm sao?

Nội dung đề nghị tư vấn: Xin chào Đoàn luật sư Minh Gia. Tôi qua tìm kiếm trên mạng internet tôi thấy đoàn luật sư bên mình rất tận tình giải đáp các thắc mắc và tư vấn đào sâu vào vấn đề. Nên hôm nay tôi viết mail này để nhờ quý luật sư tư vấn giúp tôi về việc hợp tác mua bán chứng khoán nhưng không được trả lại tiền đầu tư. Hy vọng những tư vấn của quý luật sư giúp tôi hoàn thành thủ tục. Tôi có cùng hợp tác với 1 người bạn quen qua mạng, cũng đã gặp mặt trao đổi nhiều lần. Biết nơi tạm trú và bây giờ thì không còn ở nơi đó nữa. Sau nhiều lần tin tưởng tôi đã cùng người đó đầu tư vào chứng khoán Việt Nam (do người ấy trực tiếp mua bán chứng khoán). Nhưng bây giờ người đó đã không còn liên hệ với tôi nữa do trốn tránh trả số tiền đầu tư đó. Và chúng tôi thì giao dịch qua ngân hàng bằng internet banking số chứng từ giao dịch vẫn còn. Ngặt nỗi là tôi không biết chính xác địa chỉ thường trú của người đó để tố cáo đến nơi có thẩm quyền. Số tiền mà người đó chiếm đoạt tổng cộng: 25.700.000 đồng (hai mươi bảy triệu bảy trăm nghìn đồng). Xin quý luật sư tư vấn giúp tôi hướng giải quyết và thủ tục kiện tụng như thế nào ạ. Xin cảm ơn quý luật sư, chúc đoàn luật sư mình ngày càng nhiều sức khoẻ và thịnh vượng. Sớm nhận được tư vấn của quý luật sư. Trân trọng. 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và người bạn quen qua mạng có thoả thuận để góp số tiền 25.700.000 đồng để đầu tư mua chứng khoán. Tuy nhiên, sau khi bạn đóng góp số tiền này cho người bạn đó để đầu tư thì người bạn của bạn đã rời khỏi nơi cư trú và bạn không còn liên hệ được với người bạn đó nữa. Hành vi này của người bạn đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

…”

Đối chiếu với trường hợp của bạn thì việc bạn và người bạn đó thoả thuận đóng góp tiền để đầu tư vào chứng khoán sẽ được xác định là một hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thông qua hợp đồng này thì người bạn đó nhận được số tiền 25.700.000 đồng của bạn sau đó rời khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh việc trả tiền cho bạn để chiếm đoạt số tiền đó. Hành vi của người bạn này đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 175 nêu trên.

Do đó, trong trường hợp này thì bạn cần trình báo đến cơ quan công an cấp huyện nơi mà người bạn đó tạm trú trước đây. Cơ quan công an sẽ có trách nhiệm xác minh, điều tra và tìm kiếm người bạn đó để xử lý và trả lại số tiền cho bạn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Gia đối với trường hợp của bạn. Cảm ơn bản đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo