Nguyễn Thu Trang

Hợp đồng tặng cho tài sản trong tài sản chung có đặc điểm pháp lý gì?

Trong đời sống việc việc tặng cho bao gồm cả việc tặng cho tài sản giữa cá nhân với cá nhân là chuyện thường xuyên xảy ra. Đặc biệt khi tặng cho phần tài sản sở hữu trong tài sản chung, cần đáp ứng được những điều kiện nhất định.

1. Luật sư tư vấn về hợp đồng tặng cho tài sản

Việc tặng cho tài sản có thể bằng hình chức hợp đồng, cũng có thể là hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu tài sản làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự đối với bên tặng cho tài sản và đối với bên nhận tài sản tặng cho. Tài sản tặng cho có thể là bất động sản hoặc là động sản.

Thực tiễn cho thấy, khi người mất không để lại di chúc, sẽ tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, có những người thừa kế không có ý muốn nhận di sản có thể từ chối nhận hoặc tặng cho một người khác. Với trường hợp tặng cho bất động sản thì pháp luật dân sự quy định rất rõ ràng về điều kiện, trình tự, thủ tục để hợp đồng tặng cho có hiệu lực.

Nếu bạn đang gặp thắc mắc về hợp đồng tặng cho, bạn hãy gọi 1900.6169  hoặc gửi yêu cầu về email: lienhe@luatminhgia.vn để Luật Minh Gia tư vấn, hướng dẫn các quy định của pháp luật và hướng dẫn bạn cách thực hiện.

2. Tư vấn về việc tặng cho di sản thừa kế

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi Quý cơ quan Tư vấn luật Tôi xin trình bày sự việc như sau: - Gia đình tôi có 06 người anh em ruột. Mẹ tôi mất năm 1982. Cha tôi già yếu hiện nay 88 tuổi đang ở tại căn nhà trệt gác gỗ, diện tích 80m2. - Từ 2013 trở về trước cha tôi sống với 02 người anh tại căn nhà trên, các người con còn lại ở riêng. Từ 2013 đến 2014, hai người anh ra ở riêng và cha tôi sống một mình, do căn nhà này đã hư mục, đổ nát nên cha tôi tuổi già sức yếu có kêu tôi về sửa nhà lại với số tiền 250.000.000 đồng có Vi bằng xác nhận và có nội dung là sẽ trả lại số tiền trên cho tôi khi căn nhà được bán đi. Tôi đã sống với cha tôi ở căn nhà trên từ năm 2014 đến nay. - Vào ngày 26/4/2017 cha tôi đã làm thủ tục chia thừa kế và ra giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà trên cho 06 người con đồng sở hữu căn nhà. Cùng vào thời điểm ngày 26/4/2017, chúng tôi gồm 06 người con đồng sở hữu đã cùng thống nhất lập Biên bản họp gia đình (có chữ ký đầy đủ 06 người đồng sở hữu) ghi rằng: căn nhà nói trên các đồng sở hữu không được cầm cố, thế chấp, mua bán dưới bất kỳ hình thức nào trước thời điểm cha tôi qua đời và các con đã hưởng di sản của cha thì phải có trách nhiệm cùng đóng góp tiền nuôi dưỡng, chi phí thuốc men bệnh tật cho người cha và căn nhà sau này được bán đi phải hoàn trả số tiền 250.000.000 đồng nêu trên cho tôi cũng như chi phí chăm sóc, nuôi cha, lo bệnh tật sau này. - Ngày 31/5/2018, có hai đồng sở hữu đã yêu cầu Phòng Công chứng thực hiện thủ tục Hợp đồng tặng cho phần tài sản của họ trong tài sản chung, tôi không đồng ý và đã trình bày với Công chứng viên với lý do là hiện Cha tôi vẫn còn đang sống chưa qua đời nên việc tặng cho này là trái với thỏa thuận đã thống nhất ghi tại Biên bản họp gia đình ngày 26/4/2017 và chưa có nghĩa vụ của người được tặng cho (đối với việc nuôi cha và chi phí sửa nhà) và nếu việc tặng cho này diễn ra thì tôi phải gánh chịu toàn bộ các chi phí (sửa nhà, nuôi cha già, bệnh tật...) do họ đã tự thỏa thuận chia nhau mà không có trách nhiệm gì cả. Sau đó, Phòng Công chứng đã thực hiện Hợp đồng ủy quyền cho hai đồng sở hữu trên. Nay tôi xin Quý cơ quan Tư vấn Luật giúp tư vấn cho tôi như sau: 1/ Trường hợp nếu Phòng Công chứng thực hiện thủ tục Hợp đồng tặng cho tài sản cho hai đồng sở hữu trên thì có đúng quy định pháp luật hay không. Có biện pháp ngăn chặn gì nếu hành vi trên không đúng quy định pháp luật. 2/ Phòng Công chứng đã thực hiện thủ tục Hợp đồng ủy quyền cho hai đồng sở hữu trên thì có đúng quy định pháp luật không và họ có thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà được không. Có biện pháp ngăn chặn gì nếu hành vi trên không đúng quy định pháp luật. 3/ Chi phí sửa nhà 250.000.000 đồng (số tiền đã được xác nhận bằng Vi bằng) có 02 đồng sở hữu không chịu chi trả khi bán nhà thì tôi phải làm sao. 4/ Trường hợp sau khi cha tôi mất, nếu có 02 đồng sở hữu không chịu bán nhà thì các đồng sở hữu còn lại phải làm sao để được bán nhà. Xin trân trọng cảm ơn.

Trả lời:  Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Vào ngày 26/4/2017 cha bạn đã làm thủ tục chia thừa kế và ra giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà trên cho 6 người con đồng sở hữu căn nhà. Trước hết, bạn phải hiểu rằng việc làm thủ tục chia thừa kế mà cha bạn đã thực hiện ở đây là chia thừa kế đối với phần di sản mà mẹ bạn đã để lại, tương ứng là một nửa căn nhà.

Trường hợp mẹ bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

...”

Do đó, trong trường hợp không có thỏa thuận khác thì nửa căn nhà này sẽ được chia đều cho cha bạn và 6 anh em bạn. Còn việc cha bạn làm biên bản thỏa thuận trong gia đình và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho 6 người con thì được hiểu là cha bạn đã tặng cho phần tài sản của mình cho các con.

Theo quy định tại Điều 116 BLDS 2015 thì biên bản họp gia đình có thể là một giao dịch dân sự. Trường hợp của bạn, biên bản họp gia đình cần phải được lập bằng văn bản và có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền thì biên bản họp gia đình đó mới có hiệu lực pháp luật. Do biên bản họp gia đình của bạn chỉ có chữ ký đủ các thành viên nhưng không có cơ quan làm chứng nên theo quy định tại Điêu 122 BLDS 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức thì biên bản họp gia đình của gia đình bạn vô hiệu, tức là không có hiệu lực pháp luật.

1/ Trường hợp nếu Phòng Công chứng thực hiện thủ tục Hợp đồng tặng cho tài sản cho hai đồng sở hữu trên thì vẫn đúng quy định pháp luật. Khi các đồng sở hữu thực hiện thủ tục chuyển nhượng phần tài sản của họ, họ không cần xin ý kiến, sẽ làm thủ tục thay tên những người cũ bằng những người mới trên sổ đỏ.

 2/ Việc phòng công chứng cho phép ký ủy quyền là phù hợp với quy định, mỗi người đều có quyền hoặc ủy quyền người khác tặng cho, chuyển nhượng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.

 3/ Chi phí sửa nhà 250.000.000 đồng (số tiền đã được xác nhận bằng Vi bằng) có 02 đồng sở hữu không chịu chi trả khi bán nhà thì bạn có thể tiến hành khởi kiện, yêu cầu 2 đồng sở hữu kia phải chi trả số tiền tương ứng.

Một bộ hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự được coi là hợp lệ bao gồm những giấy tờ sau: Đơn khởi kiện; Các tài liệu liên quan đến vụ kiện ( giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, hợp đồng…); Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có sao y); Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Sau đó, bạn đến nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

4/ Trường hợp sau khi cha bạn mất, nếu có 02 đồng sở hữu không chịu bán nhà thì các đồng sở hữu còn lại phải thuyết phục để tất cả các đồng sở hữu đồng ý. Nếu không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo