Hợp đồng mua bán với người bị tâm thần có được công nhận hay không?

Luật sư tư vấn về trường hợp ký kết hợp đồng mua bán với người bị tâm thần có được xác định có hiệu lực hay không. Nội dung tư vấn như sau:

 

Em có 1 anh họ năm nay 19 tuổi ( A) là người bị mắc chứng tâm thần phân liệt thể hưng cảm ( kiểu là lúc tỉnh táo bình thường,lúc lên cơn không kiểm soát được hành vi) thường làm nhiều việc không kiểm soát được. Tuy vậy những lúc tỉnh táo A vẫn như người bình thường.) Tuần trước thì anh ấy đem chiếc xe máy hiệu Vespa LX của anh ấy đi bán cho 1 anh B với giá 10 triệu đồng lấy tiền đi chơi và tiêu hết. Gia đình em tìm kiếm A khắp nơi, nhưng không thấy liền nhắn tin tìm A trên đài truyền hình Thái Bình mục tìm người ạ. Hôm kia A về cả nhà mới biết A đã bán rẻ chiếc xe máy cho B để lấy tiền đi chơi. Hỏi tại sao A lại làm như vậy thì A ngơ ngác không nói được gì và dường như không biết chuyện gì xảy ra.Gia đình em muốn hỏi 3 câu sau ạ: 1. Nếu cha mẹ anh A đến đòi xe với lý do: Hợp đồng giao kết với người mất năng lực hành vi dân sự thì có được không ạ ? 2. Các anh chị có cách nào để tư vấn cho A đòi lại  chiếc xe từ B không ạ?3. Theo anh chị trong trường hợp này có khi nào hợp đồng A và B vẫn còn hiệu lực pháp luật không ạ? Mong anh chị giải đáp giúp em với.Em xin cảm ơn rất nhiều ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Để một giao dịch dân sự có hiệu lực cần đáp ứng điều kiện quy định tại điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó:

 

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

...

Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

 

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

 

Do vậy xét đến giao dịch mua bán chiếc xe máy Vespa LX của anh A bán cho anh B có được công nhận hay không cần đáp ứng các điều kiện trên. Xét về cả nội dung và hình thức giao dịch thì:

 

Xét về nội dung: Khi này cần xem xét Anh A đã có quyết định của Tòa án nhân dân quận/huyện nơi anh A cư trú tuyên anh A bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay bị mất năng lực hành vi dân sự hay chưa? Nếu như anh A không bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự mà tại thời điểm A bán xe cho B A hoàn toàn tỉnh táo, không bị ép buộc, hoàn toàn tự nguyện thì khi này xét về nội dung giao dịch hoàn toàn hợp pháp. Nếu có căn cứ chứng minh tại thời điểm thực hiện giao dịch bán xe anh A không nhận thức, kiểm soát được hành vi của mình thì khi này có căn cứ để yêu cầu tuyên giao dịch này vô hiệu.

 

Xét về hình thức giao dịch, vì đây là tài sản phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu mà theo quy định tại điểm g điều 10 Thông tư 15/2014/TT – BCA có quy định “g) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực."

 

Đối chiếu với vụ việc của anh A thì không rõ hợp đồng này có được công chưng hay chứng thực không nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu hợp đồng có công chứng, chứng thực thì sẽ thỏa mãn điều kiện về hình thức, còn nếu không có công chứng hoặc chứng thực thì sẽ là giao dịch vô hiệu.

 

Như vậy nếu có căn cứ chứng minh khi thực hiện giao dịch anh A hoàn toàn không làm chủ được hành vi của mình  hay có quyết đinh của Tòa tuyên A mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khi này phía gia đình có quyền liên lạc để thương lượng, thỏa thuận với B về việc lấy lại xe, còn trường hợp B không phối hợp thì gia đình có quyền làm đơn ra Tòa án nhân dân để yêu cầu tuyên giao dịch này là vô hiệu các bên trao trả cho nhau những gì đã nhận, gia đình trả lại tiền cho B và B trả lại xe cho mình. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169