Hoài Nam

Hỏi về quyền của người lập di chúc

Xin Chào Luật sư,tôi xin được tư vấn về luật Di chúc và quyền lợi của người lập di chúc như sau. Mẹ tôi có một căn hộ ( đứng tên sở hữu trong sổ hồng) Nhưng vì tuổi tác đã cao không biết mình sẽ qua đời lúc nào nên có ý định làm di chúc để lại căn hộ này cho các con (Mẹ tôi có năm người con); Nhưng Mẹ tôi thấy còn có những điều như sau nên cần sự tư vấn của luật sư.

 

Muốn làm di chúc cho (bốn người con ) người thứ năm mẹ tôi muốn bỏ ra vì người con thứ năm này rất hổn hào với Mẹ tôi vì đã có lần xô mẹ tôi ngã vào cửa sắt khiến mẹ tôi bị bầm đen ở cằm & rất rất nhiều lần chửi bậy ,nói những lời tục tiểu với mẹ tôi....người thứ năm này ghiện rượu & cờ bạc chơi đề nên thường xuyên kiếm chuyện ,chửi bới rất cực là tục tiểu với anh ,chị em của mình và với vợ con rất dã man.Vậy có năm người con khi Mẹ làm di chúc để lại gia sản chỉ có bốn người được không? thưa Luật sư. Thứ hai là: Mẹ tôi ( sn 1934 " 82 tuổi" ) muốn bán nhà nhưng người con thứ năm không chịu ký tên cho mẹ tôi bán nhà , vậy phải làm sao ? Thưa Luật sư.( vì người con thứ năm này đã có ý định chiếm đoạt tài sản của mẹ tôi từ lâu ( hơn 10 năm nay ) Nên đã chửi bới tục tiểu.đánh đập từ Mẹ tôi trở xuống rất dã man không chừa một ai) Trong khi chờ đợi Luật sư hồi âm ,tôi đây xin thành thật biết ơn.

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề lập di chúc.

 

Theo quy định tại điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

 

“Người lập di chúc có các quyền sau đây:

 

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

 

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

 

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

 

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

 

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

 

Như vậy, theo quy định này thì nếu mẹ bạn là chủ sở hữu của căn nhà này (thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) thì mẹ bạn hoàn toàn có quyền viết di chúc chỉ định những người nào được hưởng di sản và truất quyền của người con trai. Tức là mẹ bạn có quyền chỉ định trong di chúc để lại di sản cho ai và không cho ai hưởng di sản này.

 

Trường hợp quyền sở hữu nhà ở thuộc hộ gia đình thì mẹ bạn chỉ có thể viết di chúc định đoạt đối với phần tài sản mà mẹ bạn được hưởng. Và mẹ bạn hoàn toàn có quyền thể hiện ý chí quyết định ai sẽ là người được hưởng và ai sẽ không được hưởng phần di sản mà bà để lại.

 

Thứ hai, Về vấn đề chuyển nhượng căn nhà.

 

Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 10 Luật Nhà ở 2014 quy định về quyền của người sở hữu nhà ở:

 

“d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;”

 

Như vậy, nếu trên giấy chứng nhận chỉ ghi cấp cho Bà (tên mẹ bạn) thì mẹ bạn hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản này mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ ý chí của người nào khác và không cần chữ ký của các thành viên trong gia đình.

 

Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho hộ gia đình (trên giấy chứng nhận ghi rõ: cấp cho Hộ Bà…) thì khi chuyển nhượng mới cần sự đồng ý của tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về quyền của người lập di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Lê Yến-Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh