Hoài Nam

Hỏi về chia thừa kế nếu người để lại di sản không để lại di chúc

Kính chào quý văn phòng luật sư cho tôi hỏi thắc mắc về chia thừa kế khi ông bà chết không để lại di chúc như sau. Ông bà nội tôi có 7 người con, 2 trai 5 gái,mọi người đều có nhà riêng,duy chỉ có cô út là không gia đình và chăm sóc ở chung ông bà từ trẻ

 

Từ năm 2005 gia đình tôi (bố tôi là con trưởng) đã về phụng dưỡng ông bà theo yêu cầu của ông bà và các cô cho đến nay 2015,ông bà qua đời và không để lại di chúc,các cô tôi muốn chia đều khối tài sản,tôi nghĩ là không hợp lý vì : 1. cô út là người chăm sóc ông bà lâu nhất 2.cô thứ 3 là người sống ở nước ngoài gửi tiền về xây nhà và sinh hoạt phí cho ông bà, 3. gia đình tôi là con trưởng (tôi là cháu đích tôn duy nhất,bố tôi cũng mất cách đây 6 năm tại ngôi nhà này) cũng về chăm sóc ông bà được 10 năm(trong đó có tới 5 năm bà nội tôi ốm yếu nằm một chỗ),các cô con gái và cậu út còn lại không có đóng góp gì đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần (toàn bộ tiền thuốc men là do cô ở nước ngoài gửi về,tiền ma chay cũng là do ông bà để lại trước khi mất),mong sớm nhận được sự tư vấn chính xác và hợp tình hợp lý của quý văn phòng. Tôi vô cùng cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hình thức thừa kế

 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;”.

 

Như vậy, trường hợp ông bà bạn mất và không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

 

Thứ hai, về quyền hưởng di sản

 

Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người được hưởng thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha  đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì di sản ông bà bạn để lại sẽ được chia đều cho các thành viên ở hàng thừa kế thứ nhất, cụ thể là các con của ông bà, mà không phân biệt về thời gian hay mức độ chăm sóc ông bà, và không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng thừa kế theo điều 621 Bộ luật dân sự 2015:

 

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

 

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

 

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

 

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

 

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”.

 

Thứ ba, về việc chia thừa kế khi bố bạn mất

 

Trường hợp 1: Bố bạn mất trước ông bà

 

Căn cứ theo điều 652 Bộ Luật dân sự 2015 về thừa kế thế vị thì:

 

Điều 652. Thừa kế thế vị

 

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Như vậy, nếu bố bạn mất trước ông bà thì các con ( của người bố) sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn được hưởng nếu còn sống.

 

Trường hợp 2: Bố bạn mất sau ông bà

 

Theo quy định của pháp luật thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông bà bạn mất, thời điểm này nếu bố bạn vẫn còn sống do vậy, bố bạn sẽ được hưởng phần di sản do ông bà để lại. Phần tài sản này thuộc di sản của bố bạn, và sẽ được chia đều theo pháp luật cho bạn và mẹ bạn như quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về chia thừa kế nếu người để lại di sản không để lại di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Lê Yến - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo