Hỏi về án phí vụ án kiện đòi tiền đã cho vay và hướng giải quyết vụ án
Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:
Trước tiên, theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 về các loại án phí trong vụ án dân sự thì vụ án kiện đòi tiền đã cho vay mà chị trình bày trên là vụ án dân sự có giá ngạch. Tức bên có nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm phải đóng án phí tương ứng với số tiền bị đơn phải trả theo danh mục án phí, lệ phí. Điều 24 quy định về các loại án phí trong vụ án dân sự như sau:
“ 1. Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.
2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
3. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể”.
Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
“ ....
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận”.
Trong vụ án trên, với những gì chị trình bày thì ba chồng của chị tham gia tố tụng tới tư cách là bị đơn dân sự, và yêu cầu của nguyên đơn được chấp thuận “ đòi 260triệu” tiền đã cho vay (330 triệu VNĐ – 70 triệu VNĐ đã trả) nên ba chồng chị có nghĩa vụ phải trả án phí sơ thẩm.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Phần I Danh mục án phí, lệ phí đính kèm Pháp lệnh nêu trên thì ba chồng chị phải có nghĩa vụ trả án phí sơ thẩm với mức : “5% giá trị tài sản có tranh chấp”.
5% x 260.000.000 VNĐ = 13.000.000 VNĐ
Tiếp theo, về nội dung bản án có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Điều 474 BLDS 2005 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“ 1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Theo quy định của pháp luật, bên vay sẽ có nghĩa vụ phải trả cho bên cho vay đầy đủ cả tiền nợ gốc và tiền lãi đúng thời hạn trả nợ theo thỏa thuận của các bên.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6 BLTTDS 2004 thì đương sự khi tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Đối với trường hợp của chị, Tòa án giải quyết vụ án dân sự trên buộc phải theo đúng những chứng cứ mà các đương sự dùng để chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp.Vậy, nếu yêu cầu chúng tôi đánh giá nội dung bản án trên đúng hay sai chỉ dựa trên lời trình bày của chị mà không có hồ sơ vụ án sẽ là điều không thể và sẽ không khách quan.
Nếu sự thật của vụ án đúng như những gì chị trình bày, có việc cưỡng ép trong quá trình ba chồng chị và bên cho vay ký kết hợp đồng vay tiền thì gia đình sẽ chuẩn bị những căn cứ, những tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình là có cơ sở. Theo đó, Tòa phúc thẩm sẽ phải sửa bản án theo hướng có lợi hơn cho gia đình.
Trân trọng
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất