Luật sư Việt Dũng

Hỏi tư vấn về vấn đề vay nợ của thành viên trong gia đình

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tường trình sự việc: 1. Cách đây khoảng 2 hoặc 3 năm, mẹ tôi có vay mượn người ngoài khoản tiền (khoản 900 triệu) với lãi suất rất cao, là vay nặng lãi. Sau một khoảng thời gian xoay sở để trả nợ, vẫn không trả nổi, để lãi mẹ đẻ lãi con.

 

Vào ngày 01/4/2016, chủ nợ có đến nhà nói về vấn đề tiền nong, vì lúc đó ông ngoại tôi đang ốm đau sắp qua đời nên mẹ tôi rất rối trí không biết phải xử trí ra sao thì lại bị chủ nợ dụ dỗ ký vào tờ giấy khác. Nội dung tờ giấy đó như sau, sau khi tính toán lãi vay hoàn tất, chủ nợ ghi trong tờ giấy (đánh bằng văn bản máy tính) là mẹ tôi đã mượn 6,8 tỉ đồng để kinh doanh, mua xe và tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng, nếu không trả nợ thì sẽ thế chấp bằng những tài sản đó v.v... mặc dù sự thật là không đúng như vậy. Và sau khi ký, tất cả các giấy tờ trước đây đã bị chủ nợ hủy bỏ.

2. Thêm nữa, cái sai của mẹ tôi là lại đi ký thêm 1 tờ giấy khác với mẹ chồng của chủ nợ, với nội dung là bán cho mẹ chồng của chủ nợ là 25000 cổ phiếu của công ty X với số tiền là 3,2 tỉ, mặc dù bản thân mẹ tôi không hề có số cổ phiếu đó. Nhưng sau khi ký, mẹ tôi cũng không nhận được tiền mặt mà chủ nợ 6,8 tỉ ở trên (con dâu) đã lấy số tiền đó để trừ vào gốc và lãi, và thực hư cũng không biết ra sao, vì 2 người trên có quan hệ với nhau và cùng nhau liên lạc với gia đình. Tất cả sự việc kể trên, tất cả các thành viên trong gia đình không một ai biết, chỉ mới biết cách đây vài ngày và không xoay sở được. Mẹ tôi ngoài đồng tiền lương đi làm ra (hiện tại chưa bị nghỉ việc) thì không có bất cứ tài sản gì khác, nhà cửa cũng đứng tên tôi, xe cộ cũng đứng tên tôi và bố tôi. Hiện tại, với số tiền quá lớn như vậy, cả gia đình không có khả năng trả nợ như thế mà chỉ có khả năng trả số tiền gốc đã vay và lãi vay theo lãi suất của Ngân hàng. Đặt vấn đề 1, nếu như chủ nợ không chịu thương thuyết về phương án trả nợ như trên thì gia đình hoàn toàn không có khả năng trả nợ, lúc đó sẽ đi ra Pháp luật giải quyết. Vậy xin tư vấn về vấn đề này và pháp luật giải quyết như thế nào? Vấn đề 2, về việc nói sai sự thật về 25000 cổ phiếu kia để bán cho người ngoài lấy tiền ở mục số 2 như tôi đã nói, thì mẹ tôi sẽ bị Pháp Luật xử lý ra sao? Nếu như mẹ tôi trả được và nếu như mẹ tôi không trả được khoản này? Mẹ tôi vi phạm dân sự hay hình sự? Thái độ của mẹ tôi là không trốn tránh, không bỏ trồn, không chối bỏ trách nhiệm và sẵn sàng trả nợ nếu như thương thuyết được với chủ nợ như đã nêu ở trên. Hiện tại, chủ nợ và mẹ chồng chủ nợ vẫn đang gọi điện đến cho mẹ tôi, và tôi với mẹ đã ghi âm cuộc gọi có nội dung chứng minh được rằng, ở mục số 2, mẹ tôi không nhận được số tiền 3.2 tỉ trên. Xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:

 

“Điều 468. Lãi suất

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

 

Như vậy, nếu việc cho vay vượt quá lãi suất quy định trên thì bị coi là “cho vay lãi nặng” và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015.

 

Theo thông tin bạn đưa ra thì sau khi ký kết hợp đồng vay tiền và mẹ bạn đã xoay sở để trả nợ nhưng vẫn không trả nổi thì chủ nợ dụ dỗ ký vào tờ giấy khác với nội dung là mẹ bạn đã vay 6,8 tỷ đồng để kinh doanh, mua xe và tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng, nếu không trả nợ thì sẽ thế chấp bằng những tài sản đó... mặc dù sự thật là không đúng như vậy. Và sau khi ký, tất cả các giấy tờ trước đây đã bị chủ nợ hủy bỏ.

 

Việc bên cho vay dụ dỗ mẹ bạn ký vào các giấy tờ đó và sau khi ký tất cả các giấy tờ trước đây đã bị bên cho vay hủy bỏ là nhằm hợp pháp hóa hợp đồng cho vay tiền trước đó.

 

Vấn đề thứ nhấtlà: “nếu như chủ nợ không chịu thương thuyết về phương án trả nợ như trên thì gia đình hoàn toàn không có khả năng trả nợ, lúc đó sẽ đi ra pháp luật giải quyết. Vậy xin tư vấn về vấn đề này và pháp luật giải quyết như thế nào?”

 

Do bên cho vay tiền đã hủy bỏ các giấy tờ cho vay tiền trước đây nên rất khó để xác định số tiền thực tế mà mẹ bạn đã vay. Mặt khác mẹ bạn và bên cho vay lại ký một hợp đồng cho vay tiền với số tiền cho vay là 6,8 tỷ đồng, hợp đồng này là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.

 

Theo Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:

 

“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

 

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

 

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”.

 

Theo quy định trên thì việc cấp thiết mà gia đình bạn cần làm lúc này là thu thập chứng cứ chứng minh rằng việc ký kết hợp đồng cho vay tiền với số tiền cho vay là 6,8 tỷ đồng một cách giả tạo là nhằm che giấu hợp đồng cho vay tiền với số tiền cho vay là 900 triệu đồng trước đó. Như vậy, hợp đồng cho vay tiền giả tạo vô hiệu còn hợp đồng cho vay tiền bị che giấu vẫn có hiệu lực.

 

Vấn đề thứ hai là: “về việc nói sai sự thật về 25000 cổ phiếu kia để bán với số tiền 3,2 tỷ đồng thì mẹ tôi sẽ bị Pháp Luật xử lý ra sao? Nếu như mẹ tôi trả được và nếu như mẹ tôi không trả được khoản này? Mẹ tôi vi phạm dân sự hay hình sự?

 

Theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

 

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

…”. 

 

Như vậy, mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (Điều 118 Bộ luật dân sự 2015).

 

Bên cạnh đó, tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

 

Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

 

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”.

 

Trong trường hợp này, mục đích của hợp đồng mua bán 25000 cổ phiếu này không dựa trên lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập. Đồng thời bạn và mẹ đã ghi âm cuộc gọi có nội dung chứng minh được rằng mẹ bạn không nhận được số tiền 3,2 tỷ đồng từ hợp đồng mua bán trên. Do vậy, hợp đồng mua bán này là vô hiệu.

 

Nếu mẹ bạn trả được số tiền này thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nếu mẹ bạn không trả được số tiền này thì mẹ bạn không vi phạm pháp luật hình sự, đây chỉ là tranh chấp dân sự thông thường và được giải quyết theo pháp luật dân sự. Do đó, trường hợp này mẹ bạn nên dùng các biện pháp để chứng minh số tiền vay nợ thực tế chỉ là 900 triệu thông qua tin nhắn, ghi âm và các sự xác nhận khác về số tiền thực tế để có thể hủy bỏ số tiền vay nợ là 6,8 tỷ trên. Nếu không chứng minh được số tiền vay nợ thực tế thì sẽ rất bất lợi cho mẹ chị khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi tư vấn về vấn đề vay nợ của thành viên trong gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Trung Thị Quỳnh Anh – Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo