Nguyễn Kim Quý

Hỏi tư vấn trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất vay nợ.

Luật sư cho tôi hỏi về việc ủy quyền sử dụng và thế chấp vay vốn như sau: Chồng tôi được bố đẻ tôi viết giấy ủy quyền sử dụng bìa đỏ nhưng không có nhà cho chồng tôi toàn quyền sử dụng và chồng tôi đã mang bìa đỏ đi vay xx0 triệu. Vậy cho tôi hỏi bố tôi và chồng tôi phải chịu hình phạt của pháp luật như thế nào ạ?

 

Và cho tôi hỏi nếu bên cho chồng tôi vay tiền có ủy quyền cho người khác đến đòi nợ nhà bố đẻ tôi mà đập phá nhà cửa, lấy đồ nhà tôi đi, đánh tôi sỉ nhục tôi lột đồ tôi hay lên cơ quan tôi làm việc để quấy phá thì những người có liên quan là (người cho chồng tôi vay tiền và người được ủy quyền đòi nợ đến nhà tôi quấy phá) thì chịu hình phạt gì trước pháp luật ạ? Và họ lên cơ quan tôi quấy phá có đúng không ạ? Tôi có bị mất việc không ạ?

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bố chồng bạn có viết giấy ủy quyền sử dụng bìa đỏ cho con trai (tức chồng của bạn) nhưng bạn không viết giấy ủy quyền để sử dụng vào mục đích gì?

 

Theo quy định tại Điều 141, Bộ luật dân sự  năm 2015 có quy định:

 

Điều 141. Phạm vi đại diện

 

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

 

c) Nội dung ủy quyền;

 

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

....

 

Theo quy định trên thì người đại diện tức chồng bạn chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi ủy quyền có nghĩa là nếu ba chồng của bạn mà ủy quyền lại cho chồng bạn sử dụng bìa đỏ để thực hiện thủ tục thế chấp vay mượn tài sản thì chồng bạn không vi phạm pháp luật. Nếu ba chồng bạn ủy quyền cho chồng bạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không cho phép dùng sổ đỏ đó để thế chấp vay tiền thì chồng của bạn đã vượt quá phạm vi ủy quyền và hậu quả của hành vi vượt qua trên sẽ bị vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 143, Bộ luật dân sự năm 2015:

 

Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

 

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người được đại diện đồng ý;

 

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

 

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

 

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

 

3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

 

4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

 

Theo quy định này thì khi chồng bạn sử dụng bìa đỏ để vay số tiền mà vượt quá phạm vi đại diện như đã nói ở trên thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của bố chồng bạn. Theo đó, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền có thể bị hủy bỏ do vượt quá phạm vi đại diện và trách nhiệm hoàn trả số tiền vay cùng chi phí bồi thường thiệt hại sẽ do chồng bạn gánh chịu mà không liên quan đến bố chồng.

 

Tuy nhiên, nếu hợp đồng thế chấp vay mượn tài sản được thực hiện vẫn nằm trong phạm vi đại diện theo ủy quyền thì giao dịch này vẫn được công nhận và bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu gia đình bạn phải trả nợ và xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nếu có đủ căn cứ (hình thức giao dịch, điều kiện xử lý tài sản bảo đảm).

 

Người được ủy quyền từ người cho chồng bạn vay tiền mà tới nhà bố đẻ bạn đập phá và đánh đập lột đồ của bạn thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác (Điều 178) ; hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134) Bộ luật hình sự năm 2015 khi có đủ các yếu tố cấu thành đối với từng tội danh đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi tư vấn trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất vay nợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Nguyễn Thị Dung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo