Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Vấn đề chia tài sản sau khi chia tách doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, chia tách doanh nghiệp là hình thức phát sinh trong các loại hình doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần. Chia, tách doanh nghiệp là hai thủ tục khác nhau mà người hoạt động doanh nghiệp cần quan tâm để tránh trường hợp nhầm lẫn giữa hai hoạt động này.

1. Luật sư tư vấn vấn đề chia tách doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp là trường hợp một doanh nghiệp bị chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cũ. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới. Còn tách doanh nghiệp là trường hợp một doanh nghiệp được tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp mà không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

Chia, tách doanh nghiệp là hai thủ tục khác nhau dẫn đến các vấn đề liên quan đến cách thức thực hiện, thủ tục và hồ sơ thực hiện và hậu quả pháp lý của các hình thức này cũng có sự khác biệt.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang có nhu cầu chia, tách doanh nghiệp và gặp các vướng mắc liên quan đến các vấn đề này mà chưa tìm được phương hướng giải quyết, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua hình thức gửi Email hoặc gọi tới số Hotline 1900.6169. Với kinh nghiệm tư vấn của mình chúng tôi tự tin có thể hỗ trợ giải đáp các vấn đề vướng mắc của bạn liên quan đến doanh nghiệp.

2. Vấn đề chia tài sản sau khi chia tách doanh nghiệp

Câu hỏi: Chào luật sư! Cách đây 4 năm, tôi và một người khác có góp vốn lập thành 01 công ty cổ phần ( trên giấy tờ là 3 nhưng thực tế chỉ có 2 người với tỷ lệ 40/40/20, tôi và người góp vốn chiếm 80% CP). Công ty làm về 02 lĩnh vực chính là điện lạnh công nghiệp và phân phối lắp đặt hệ thống an ninh giám sát, người kia làm giám đốc, còn tôi làm phó giám đốc.

Phần lớn thời gian hoạt động, về tài chính chúng tôi không tách biệt giữa 02 mảng này, nhưng đến tháng 7/2015 chúng tôi bắt đầu tách biệt để dễ quản lý hơn. Hiện nay công ty vẫn hoạt động bình thường, nhưng vì nhiều lý do khác nhau về phương hướng và cách làm việc nên chúng tôi quyết định mỗi người một hướng đi riêng, sau khi thỏa thuật tôi ra lập công ty TNHH mới. Chúng tôi có làm 01 văn bản nội bộ thống nhất về vấn đề chia tài sản ( bao gồm giá trị hàng tồn kho, tài sản cố định, quỹ tiền, các khoản phải thu đang dang dở) và giải quyết các khoản công nợ phải trả cho nhà cung cấp ở công ty CP cũ. Vì mới hạch toán riêng mảng từ tháng 07 nên mỗi người đều ký đại diện làm việc đứng ra làm việc với khoản nợ nhà cung cấp. Tôi biết việc tách ra sẽ có nhiều phần thiệt thòi, nên tôi chỉ cần 1/2 giá trị tiền sau khi lấy các khoản phải thu + hàng tồn kho, khi ra tôi sẽ dùng số tiền này và bán hàng tồn để trả cho nhà cung cấp rồi ra đi nhẹ nhàng, nhường lại toàn bộ công ty, phần lớn tài sản và thương hiệu gây dựng 4 năm. Tuy nhiên các khoản phải thu lại tập trung ở mảng của người kia, và giờ họ lật lọng là chia tính mảng nào theo mảng đó từ thời điểm tách ra, trong khi các khoản phải chi là chi chung. Các khoản nợ NCC (nhà cung cấp) của mảng bên tôi phụ trách cũng là do quá trình kinh doanh trước đó nhiều năm mảng bên họ có sử dụng vốn để kinh doanh. Hơn nữa các khoản phải thu họ còn tính nợ xấu + bảo hành chiếm hơn 1/2 số phải thu. Các khoản phải thu của bên tôi gần như bằng không do bên tôi thu hồi công nợ tốt và là hàng hóa thương mại nên không có nợ xấu. Các khoản phải thu của công trình thì bên mảng đó hoàn toàn chủ động với khách hàng nhưng không hề thông báo cho tôi biết tình hình, cũng chưa chốt cho tôi con số cụ thể, và thời gian khi đã thống nhất cách tính, khi tôi hỏi thì chỉ lờ đi nhưng lại bắt tôi phải đứng ra làm việc với nhà cung cấp bên mảng của tôi. Giờ tôi muốn nhờ luật sư giúp tôi làm như thế nào để tôi có thể ra đi và lấy lại những gì mà tôi đã góp phần xây dựng lâu nay! Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Trường hợp của bạn là tách doanh nghiệp, các vấn đề về chia tài sản khi tách doanh nghiệp được quy định tại Điều 193 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 193. Tách doanh nghiệp

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

2. Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:

a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;

c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới.

4. Thủ tục tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được quy định như sau:

a) Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Nghị quyết tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty quy định tại điểm a khoản này.

5. Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác."

Theo đó, khi bạn tách ra để thành lập công ty TNHH mới thì bạn có thể thực hiện theo phương thức tách toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của bạn cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của bạn chuyển sang cho các công ty mới đồng thời đối với các khoản nợ của công ty CP cũ sẽ do cả hai công ty liên đới chịu trách nhiệm.

Như vậy trong trường hợp này, các nếu như muốn tách ra thành lập công ty riêng anh có thể thực hiện thủ tục tách công ty theo hướng dẫn như trên. Còn nếu như phía những cổ đông còn lại không đồng ý phương án tách doanh nghiệp thì anh có thể sử dụng phương án chào bán cổ phần của mình cho các thành viên còn lại trong công ty hoặc chào bán cổ phần của mình cho người không phải là thành viên trong công ty để rút lại phần vốn góp của mình đã góp vào công ty theo quy định tại điều 126 luật doanh nghiệp 2014. 

Do công ty anh đã thành lập được 04 năm, do vậy những hạn chế của cổ đông sáng lập liên quan đến cổ phần của họ không còn nữa và anh sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại điều 126 luật doanh nghiệp 2014. 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo