Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn hành vi gian dối trong việc góp vốn

Thưa Luật sư! Tôi muốn được anh chị tư vấn về luật góp vốn kinh doanh thành lập công ty và cách thức giấy tờ như thế nào là phù hợp để chứng minh mình đã góp vốn kinh doanh từ khi mới thành lập. Hiện tại tôi và ba người bạn của tôi cùng góp vốn thành lập công ty cổ phần.

Do bạn tôi góp nhiều vốn hơn chiếm 60% vốn (và có vốn bên ngoài) nên chúng tôi đồng ý để bạn ấy làm chủ tịch kiêm giám đốc công ty để sau này dễ huy đông vay thêm vốn. Trong thời gian từ khi thành lập cho đến nay mọi giấy tờ thủ tục thành lập công ty đều do bạn tôi làm, nhất là chữ ký giả mạo tên ba người chúng tôi (chữ ký giả mạo trên mọi giấy tờ liên quan đến thành lập và góp vốn trên giấy phép kinh doanh) để hợp thức hóa giấy tờ thành lập công ty cổ phần. Sau 1 năm hoạt động công ty cũng đã bắt đầu có chiều hướng tốt, nhưng thực tế vốn góp của mọi người vẫn chưa đúng như ghi trong giấy phép kinh doanh, mọi người góp vốn vẫn chưa ai có giấy tờ gì thể hiện mình góp vốn cùng để thành lập công ty ngoài giấy đăng ký kinh doanh lần một có tên và tỉ lệ góp vốn của 4 người. Rồi tôi phát hiện giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2 đã chuyển tên tôi và 1 người bạn nữa thành tên và tỉ lệ góp vốn của người khác (tên vợ của bạn làm giám đốc công ty tôi) và cả giấy chuyển nhượng cổ phần mang tên tôi và có chữ ký giả mạo của tôi chuyển cho vợ bạn tôi. Mọi thay đổi giấy phép kinh doanh và chuyển nhượng là đều không thông qua 3 người chúng tôi. Vừa rồi họp 4 người tôi cũng đã đề nghị làm giấy tờ để chứng minh vốn góp của mọi người. Bạn tôi (Giám đốc) cũng nói sẽ cấp giấy văn bản chứng minh cho từng người với số tiền cụ thể và có chữ ký của giám đốc cùng con dấu của công ty (có tên, quê quán, và số tiền góp vào). Luật sư tư vấn giúp xem tôi nên làm gì để lấy lại vốn góp và tỉ lệ góp hợp lệ và nên làm giấy tờ gì cho hợp lệ để sau này có xảy ra tranh chấp về tỉ lệ vốn góp thì cũng đã có giấy tờ đó làm bằng chứng. 

Tôi xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;

b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

e) Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

g) Tuyển dụng lao động;

h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Căn cứ vào quy định trên, Giám đốc không có thẩm quyền xác nhận việc góp vốn của thành viên (trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác). Trong trường hợp này, bạn nên yêu cầu người kia thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, ghi đúng số vốn góp của cổ đông.

" Điều 32. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một trong những nội dung sau đây:

a) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh;

b) Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;

c) Thay đổi những nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp."

Nếu người đó không thực hiện, bạn có thể khởi kiện lên Tòa án yêu cầu giải quyết. Người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 284 Bộ luật hình sự 1999:

" Điều 284. Tội giả mạo trong công tác  
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng."

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo