Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tính hợp lệ của hồ sơ đấu thầu

Kính chào Công ty Luật Minh Gia. Tôi có vấn đề cần được tư vấn như sau: "Trường hợp trong bước kiểm tra hồ sơ đề xuất của nhà thầu, tổ chuyên gia phát hiện hồ sơ đề xuất có thiếu một số tài liệu chứng minh về năng lực kinh nghiệm như:

 

Hợp đồng chứng minh kinh nghiệm thi công; bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn của nhân sự kê khai trong hồ sơ đề xuất; tài liệu chứng minh năng lực tài chính (như báo cáo tài chính đã kiểm toán, biên bản kiểm tra quyết toán thuế...) thì có thể kết luận là hồ sơ đề xuất của nhà thầu là không hợp lệ hay không? Nếu vẫn hợp lệ thì nhà thầu có được bổ sung không và trong trường hợp nhà thầu không bổ sung được tài liệu còn thiếu thì có đánh giá tính hợp lệ không? Hay được phép loại luôn?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tính hợp lệ của hồ sơ

Trường hợp trong bước kiểm ta hồ sơ đề xuất của nhà thầu, tổ chuyên gia phát hiện hồ sơ đề xuất có thiếu một số tài liệu chứng minh về năng lực kinh nghiệm như: Hợp đồ chứng minh kinh nghiệm thi công; bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn của nhân sự kê khai trong hồ sơ đề xuất, tài liệu chứng minh năng lực tài chính thì chưa thể kết luận hồ sơ của nhà thầu là không hợp lệ. Vì: Theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: Làm rõ hồ sơ dự thầu "1. Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu.

Thứ hai, về việc bổ sung hồ sơ còn thiếu.

Căn cứ theo Điều 16 của Nghị định trên, trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu." Do đó, trong trường hợp này, khi tổ chuyên môn kiểm tra hồ sơ đề xuất của bạn mà phát hiện hồ sơ thiếu một số tài liệu chứng minh về năng lực kinh nghiệm thì bạn có thể bổ sung tài liệu khi bên mời thầu có yêu cầu bổ sung.

Thứ ba, trường hợp không bổ sung được tài liệu còn thiếu theo yêu cầu.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 và khoản 3 Điều 16 của Nghị định trên quy định:

Khoản 1 Điều 15. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu

"1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu."

và khoản 3 Điều 16. Làm rõ hồ sơ dự thầu

"3. Việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần phải làm rõ và phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu. Nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu phải thể hiện bằng văn bản và được bên mời thầu bảo quản như một phần của hồ sơ dự thầu."

Theo các quy định trên, bên mời thầu cần chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Như vậy, việc bạn không bổ sung được tài liệu là không đảm bảo nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ nên hai bên có thể thỏa thuận về vấn đề này. Nếu bên mời thầu không chấp nhận việc bên bạn (bên dự thầu) không đáp ứng được yêu cầu thì có thể hồ sơ bên bạn sẽ bị loại.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn