LS Ngọc Anh

Thủ tục đăng kí kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể

Luật sư tư vấn về thủ tục đăng kí kinh doanh và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nội dung tư vấn như sau:


Nội dung tư vấn: Xin chào! Cho tôi hỏi, hiện tại tôi đang kinh doanh online thực phẩm Hàn Quốc, đối tượng khách hàng của tôi là người Hàn Quốc. Mặt hàng của tôi là các loại dầu mè, gạo, các loại hạt như hạnh nhân. óc chó, hạt điều,.. Một số được nhập trực tiếp từ Hàn Quốc và một số được sản xuất ở VN. Sắp tới tôi muốn mở một cửa hàng để khách hàng tiện đến mua hàng và kinh doanh kèm theo thức uống (giống tiệm cà phê). Có thể tôi sẽ mở hai địa chỉ khác nhau nên tôi có thể đăng kí giấy phép kinh doanh 1 lần luôn không hay phải chia làm 2 lần? Loại hình kinh doanh của tôi phải đăng ký kinh doanh như thế nào mới đúng với pháp luật? Tôi có cần phải đăng kí giấy phép ATVSTP không? Hồ sơ tôi cần chuẩn bị là những gì và phải nộp ở những cơ quan nào? Vui lòng hồi đáp nếu nhận được email này. Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, về câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc lựa chọn hình thức kinh doanh

 

Pháp luật hiện hành cho phép cá nhân, tổ chức kinh doanh theo các hình: công ty TNHH, công ty cổ phần, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân,…

 

Tuy nhiên, dựa trên thông tin cung cấp thì với nhu cầu của bạn thì nên thực hiện việc kinh doanh theo hình thức thành lập công ty TNHH (Hộ kinh doanh thì không được mở nhiều địa điểm kinh doanh và mỗi cá nhân chỉ được đăng ký 01 hộ kinh doanh trong phạm vi cả nước, công ty cổ phần thì phải có ít nhất 3 thành viên tham gia, doanh nghiệp tư nhân thì sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình,…)

 

Thứ hai, về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh

 

Bạn sẽ nộp hồ sơ đăng ký thành lập tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi dự định đặt trụ sở, hồ sơ gồm có:

 

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT);

 

2. Điều lệ công ty.

 

3. Bản sao có chứng thực Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

 

Thứ ba, về việc kinh doanh tại hai địa điểm khác nhau

 

Trường hợp có nhu cầu kinh doanh tại hai hoặc nhiều địa điểm khác nhau trong cùng phạm vi tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì sau khi đăng ký doanh nghiệp thành công bạn thực hiện thủ tục Thông báo lập địa điểm kinh doanh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp bạn gửi thông báo tới Phòng đăng ký kinh doanh (Thông báo theo mẫu Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT).

 

Trường hợp có nhu cầu kinh doanh tại hai hoặc nhiều địa điểm khác ngoài phạm vi tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì bạn Thông báo tới Phòng đăng ký kinh doanh về việc Đăng ký hoạt động của chi nhánh. Với việc mở chi nhánh thì cần phải có người đứng đầu chi nhánh đó. (Mẫu Thông báo theo mẫu Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT)

 

Thứ tư, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 38/2012/NĐ-CP Hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định như sau:

 

“Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý tại Điều 62, 63, 64 của Luật an toàn thực phẩm và Nghị định này”

 

Theo các quy định tại Điều 62, 63 và 64 Luật an toàn thực phẩm 2010 thì:

 

- Bộ Y tế có trách nhiệm Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;

 

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm:

 

1. Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.

 

2. Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

 

- Bộ Công thương có trách nhiệm Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

 

Theo các quy định trên thì việc kinh doanh của bạn không thuộc trường hợp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Bạc Minh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo