Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Người nước ngoài mở quán trà sữa tại Việt Nam và vấn đề người đại diện

Sếp em là người Trung Quốc, hiện tại muốn mở một quán trà sữa tại Việt Nam, nhưng vì người nước ngoài đứng tên giấy tờ tại Việt Nam để mở quán thì thủ tục rất phức tạp

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư! Em có một chút thắc mắc muốn được tư vấn, hi vọng luật sư có thể giải đáp giúp em. Sếp em là người Trung Quốc, hiện tại muốn mở một quán trà sữa tại Việt Nam, nhưng vì người nước ngoài đứng tên giấy tờ tại Việt Nam để mở quán thì thủ tục rất phức tạp, hơn nữa phải mở một công ty xin cấp phép đầu tư thì mới được mở quán. Luật sư cho em hỏi, trong trường hợp này có cách nào có thể giải quyết nhanh hơn và thủ tục đơn giản hơn không ạ? Trong trường hợp này sếp em có thể thuê người Việt làm đại diện và đứng tên mọi giấy tờ, thay mặt sếp em giải quyết mọi thủ tục được không ạ? Cho em hỏi thêm là bên văn phòng mình có nhận giải quyết và làm những thủ tục về làm giấy phép kinh doanh và những thủ tục về đăng kí thuế,... không ạ? Nếu có thì chi phí cụ thể như thế nào ạ?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 quy định các hành vi bị cấm, Khoản 4 Điều này có quy định như sau:

 

4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.

 

Như vậy trong trường hợp này doanh nghiệp đứng tên là người Việt Nam, còn người nước ngoài mới là chủ doanh nghiệp. Việc này rõ ràng là kê khai không trung thực nội dung đăng ký doanh nghiệp. Vậy nên, việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ là không được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này vẫn diễn ra và chỉ được biết trong nội bộ công ty nhưng tồn tại rất nhiều rủi ro cho cả sếp bạn và người đại diện Việt Nam vì người đại diện đó mới là người chịu trách nhiệm theo pháp luật của công ty và họ có quyền quyết định toàn bộ các vấn đề của công ty về mặt pháp lý mà sếp bạn không có quyền quyết định tương ứng. Ngoài ra, trong trường hợp công ty rơi vào tình trạnh vỡ nợ, phá sản thì nhà đầu tư cao chạy xa bay còn người Việt Nam đứng lại gánh chịu rủi ro đi kèm.

 

Vì vậy, việc sếp bạn muốn mở một quán trà sữa tại Việt Nam và thuê người Việt đứng tên trên mọi giấy tờ, thủ tục xét về mặt pháp lý là không hợp pháp. Nếu sếp bạn muốn mình là người sở hữu toàn bộ tài sản, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng như quản lý tất cả mọi mặt của công ty thì chỉ có cách duy nhất là mở một công ty và xin cấp phép đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, đúng như bạn nói thì thủ tục rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.

 

Chúng tôi thấy rằng: việc sếp bạn muốn mở một quán trà sữa, kinh doanh nhỏ lẻ thì việc xin cấp phép đầu tư là quá phức tạp. Thay vào đó, chúng tôi đề nghị phương án sau: sếp bạn có thể tìm một công ty kinh doanh trà sữa tại Việt Nam góp vốn kinh doanh và hưởng hợi nhuận theo số vốn đã góp hoặc các bên có thể làm hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án này. Điều 26 Luật Đầu tư 2014 quy định vấn đề này như sau:

 

“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

 

1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

 

b)Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

 

2. Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

 

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

 

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

 

3. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

 

a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;

 

b) Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

 

4. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này”

 

Văn phòng công ty Luật Minh Gia tiếp nhận giải quyết vấn vê đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký thuế,…, Công ty có thể liên hệ để thưc hiện dịch  vụ phù hợp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

CV tư vấn: Đoàn Thị Khánh- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo