Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hành vi tự ý sử dụng con dấu của Công ty và dấu chữ ký của Giám đốc.

Do có mâu thuẫn cá nhân giữa Giám đốc và Phó Giám đốc công ty nên Phó Giám đốc đã soạn thảo văn bản gửi lên UBND và các ban ngành liên quan đề nghị trả đất mà công ty thuê và dừng hoạt động có sử dụng dấu chữ ký và dấu của công ty để đóng dấu mà Giám đốc công ty không biết. Hành vi này của Phó Giám đốc có vi phạm hay không? Bị xử lý như thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Tôi hiện đang làm giám đốc của 1 Cty tư nhân đang hoạt động bình thường, do bất hoà trong cuộc sống nên phó Giám đốc của tôi đã soạn thảo 1 văn bản gửi UBND tỉnh và các sở ban ngành đề nghị trả lại đất mà Cty đã thuê và dừng hoạt động có sử dụng dấu chữ ký của tôi và dấu của Cty mà tôi không biết. Sau khi biết chuyện, tôi đã làm văn bản giải trình lên UBND tỉnh và các sở ban ngành. Như vậy hành vi của phó giám đốc của tôi có vi phạm không? Bị xử lý như thế nào? Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Hành vi sử dụng dấu chữ ký của Giám đốc, con dấu của công ty mà Giám đốc công ty không biết được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

 

Tùy theo động cơ, mục đích, tính chất, mức độ và hậu quả  vi phạm của hành vi mà có thể bị xử lý về hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

 

Việc sử dụng con dấu chữ ký, con dấu của công ty mà không được sự đồng ý của Giám đốc công ty có thể bị xử lý hình sự về các tội sau:

 

Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc theo quy định tại Điều 265 Luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009):

 

“Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc  thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

 

Tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 284 Luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009):

 

“Điều 284. Tội giả mạo trong công tác

 

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

 

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

 

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

 

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ,  tài liệu;

 

c) Phạm tội nhiều lần;

 

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

 

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

 

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm  chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

 

Trong trường hợp này, Phó giám đốc của công ty bạn mặc dù đã có hành vi giả mạo con dấu chữ ký, con dấu của Giám đốc công ty nhưng chưa đủ căn cứ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội đã nêu trên.

 

Đồng thời,  tùy vào hậu quả xảy ra đối với hành vi tự ý sử dụng con dấu chữ ký, con dấu của Giám đốc công ty trong từng lĩnh vực cụ thể để xác định hành vi này sẽ bị xử lý hành chính ở mức độ nào theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong trường hợp này của bạn, không thể xác định được việc sử dụng chữ ký, con dấu của công ty trong lĩnh vực nào và hành vi này cũng chưa gây thiệt hại gì đối với công ty vì vậy trong trường hợp này Phó Giám đốc công ty bạn cũng không bị xử lý về hành chính. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo