Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đơn phương nộp đơn xin giải thể doanh nghiệp

Kính chào công ty Luật Minh Gia, hiện tôi có một vấn đề khúc mắc mong Quý luật sư phúc đáp giúp Tôi. Cách đây 1 năm tôi có tham gia cùng 2 người khác để mở công ty. Cơ cấu cổ phần trên giấy phép ĐKKD do sở kế hoạch đầu tư cấp như sau: Anh A : 20% hiện đang là đại diện pháp luật và Giám Đốc. -Anh B: 45% hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Mẹ anh B: 35%.

Sau 1 năm hoạt động, do công ty không hề có vốn nên không phát sinh các khoản nợ kinh doanh, hay khoản doanh thu nào. Hiện nay tôi có nhu cầu muốn thoát vốn khỏi công ty tuy nhiên 2 cá nhân còn lại coi như không biết. Tôi đã liên hệ rất nhièu lần để bàn cách cho tôi thoát khỏi đại diện pháp luật và cơ cấu vốn công ty nhưng 2 cá nhân trên không gặp mặt. - Tôi đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 1 để triệu tập nhằm giải quyết vấn đề giải thể DN hoặc cho tôi thoát khỏi cổ đông nhưng 2 cá nhân trên không tham gia. - Hơn 1 tháng sau, tôi triệu tập đại hội cổ đông bất thường lần 2 nhưng cả 2 đại diện trên vẫn không tham gia. - Một tháng tiép theo, tôi tiếp tục triệu tập đại hội cổ đông bất thường lần 3. Hai cá nhân trên vẫn không tham gia.

Xin cho Tôi hỏi, tôi có thể đơn phương ký vào biên bản của đại hội cổ đông lần 3 và nộp đơn xin giải thể Doanh nghiệp hay không? Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Vì công ty bạn và 2 người khác thành lập là công ty cổ phần, nên quy chế pháp lí điều chỉnh cơ cấu tổ chức và hoạt động của công ty được quy định cụ thể trong Chương V Luật doanh nghiệp năm 2014.
Với tình huống bạn đưa ra, để được giải thể công ty thì cuộc họp đại hội đông cổ đông phải được tiến hành hợp lệ và nghị quyết phải được thông qua đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật, cụ thể như sau: 
Thứ nhất, về thẩm quyền triệu họp Đại hội đồng cổ đông. 
Căn cứ vào khoản 6, Điều 136, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau: "Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 5 Điều này thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này."
Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền triệu họp Đại hội đồng cổ đông. Xét với tình huống của bạn, do bạn là 1 trong những cổ đông sáng lập của công ty(cổ đông phải sở hữu ít nhất 20% cổ phẩn phổ thông) nên bạn có quyền triệu họp Đại hội đồng cổ đông.
Thứ hai: Về điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông.

Theo Điều 141 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

"1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

3. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

4. Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 139 của Luật này."

Căn cứ vào quy định trên, thì với tình huống của bạn đã đáp ứng đầy đủ điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng đông.

Thứ 3: Về điều kiện nghị quyết được thông qua.

Khoản 1, Điều 144, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

"1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;

e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định."

Như vậy, sau khi đáp ứng đầy đủ về thẩm quyền triệu họp, điều kiện tiến hành cuộc họp thì cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được tiến hành, và nghị quyến sẽ được thông qua nếu số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Với tình huống của bạn, do cuộc họp hợp lệ chỉ có mình bạn tiến hành, nên nếu bạn tán thành giải thể công ty, thì nghị quyết giải thể công ty sẽ được thông qua và có hiệu lực.

Ngoài ra, căn cứ vào Điều 201, Luật doanh nghiệp năm 2014 thì công ty sẽ được giải thể trong các trường hợp sau:

-Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

-Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

-Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Từ những phân tích trên, có thể thấy, với trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có thể đơn phương kí vào biên bản của Đại hội cổ đông lần 3 và nộp đơn xin giải thể doanh nghiệp.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo