Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trường hợp con trai đứng tên trên Giấy CNQSDĐ của cha

Ông A để con trai đứng tên trên Giấy CNQSDĐ. Sau này ông A lấy bà B, sinh được một người con gái, ông A muốn tặng diện tích đất mà mình để con trai đứng tên cho con gái, sau khi làm xong thủ tục hồ sơ tặng cho nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con gái thì ông A mất, khi đó con trai ông rút bìa gốc lại và không làm tặng cho nữa. Vậy theo luật bà B có được hưởng thừa kế xuất đất đó không?

 

Nội dung câu hỏi: Chào Luatminhgia. Em có trường hợp về đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất muốn được tư vấn ạ. Năm 1993 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do là cán bộ nên ông Nguyễn Văn A không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đất nông nghiệp chỉ được cấp đất thổ cư. Vì vậy cho con trai đứng tên toàn bộ diện tích đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp. Sau về hưu ông A đi thêm bước nữa lấy bà Nguyễn Thị B và sinh được 1 người con gái nên yêu cầu con trai tặng cho 600m đất thổ cư và vườn tạp liền kề. Hồ sơ thủ tục tặng cho đã hoàn thành hết nhưng chưa cấp được giấy CNQSDĐ đất thì ông A chết. Khi đó con trai ông xuống UBND rút bìa gốc lại không làm tặng cho nữa. Vậy theo luật bà Nguyễn Thị B có được thừa kế diện tích 600m đất ko ạ?

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khoản 3 Điều 167 Luật Đất Đai 2013 quy định về việc công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

 

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng được thực hiện như sau:

 

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

 

Do bạn không nhắc đến việc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A và con gái ông đã được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hay chưa nên ta chia ra thành các trường hợp sau:

 

Nếu trong trường hợp thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A và người con gái đã được công chứng chứng thực của cơ quan có thẩm quyền mà chưa làm thủ tục sang tên, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hợp đồng tặng cho này vẫn có hiệu lực pháp luật, về mặt pháp luật, mảnh đất này đã thuộc sở hữu của người con gái của ông A. Trong trường hợp này ông A đã mất thì bà B không thuộc diện thừa kế với mảnh đất này.

 

Nếu trong trường hợp thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất này đã hoàn thành nhưng chưa công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền thì mảnh đất này chưa thuộc sở hữu của con gái ông A. Đồng thời, theo như thông tin mà bạn cung cấp, con trai ông A là người đứng tên trên giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nên về mặt pháp luật con trai ông A là chủ sở hữu của mảnh đất đó. Vì vậy, nếu ông A đã mất mà không để lại di chúc thì tài sản thừa kế của ông A sẽ không bao gồm mảnh đất mang tên con trai ông, tức nghĩa là mảnh đất mang tên con trai ông A sẽ không được chia cho các người thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất, bà B sẽ không có quyền đòi thừa kế với mảnh đất đó.

 

Nếu trong trường hợp có căn cứ, giấy tờ, tài liệu chứng minh được rằng việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của con trai ông A chỉ là đứng tên nhờ cho ông A thì quyền sở hữu mảnh đất đó vẫn thuộc về ông A, khi ông A mất thì tài sản là mảnh đất này sẽ được chia thừa kế cho vợ và các con của ông A. Trong trường hợp này bà B sẽ có quyền được hưởng một phần trong khối tài sản thừa kế đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.!
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo