Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tranh chấp lối đi chung giữa hai nhà khi đã làm sổ đỏ

Gia đình tôi có vấn đề tranh chấp nhờ quý luật sư tư vấn dùm. Lối đi vào nhà tôi được sử dụng từ khi ông nội tôi tham gia du kích trong cuộc kháng chiến chống Pháp ( hiện tại ông nội tôi đã 93 tuổi), và lối đi đó đã được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi (cấp năm 2002). Gia đình tôi và gia đình ông A chung sống hoà thuận không có mâu thuẫn hay tranh chấp gì liên quan tới lối đi xảy ra.

Cho tới năm 2013 khi ông A qua đời thì một thời gian sau con trai lớn của ông A làm đơn đề nghị gứi UBND xã với nội dung đòi lối đi chung từ trước tới nay là của riêng gia đình ông A. Trong khi đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi và gia đình nhà ông A(cấp năm 2002) đều thể hiện rõ là lối đi chung của hai gia đình( có một vài chỗ về biên dạng đất không khớp với sổ do ngày đó chỉ đo bằng thước và sào). Nhưng khi đó một người con trai khác của ông A cũng tham gia vào đội đi đo đất thời đó thì không thể đo sai đất của nhà ông A được. Khi con trai lớn của ông A làm đơn đề nghi với nội dung như trên thì lại không đưa ra được một chứng cớ nào có tính pháp lý nào để chứng minh được phần ngõ trên là của gia đình ông A mà chỉ đi vận động anh chị em của ông A xác minh vào đơn. Con trai lớn của ông A còn muốn điều chỉnh lại giấy chứng nhận QSD đất liệu có được không.Một điều nữa là gia đình tôi và gia đình ông A có chung nguồn gốc ( cụ năm đời về trước là cụ chung của hai gia đinh chúng tôi)
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Vì bạn chưa cung cấp thông tin cụ thể về thời điểm con trai ông A gửi đơn đề nghị đến UBND xã là năm nào, do đó tôi áp dụng Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan để bạn tham khảo và xem xét vào trường hợp cụ thể của bạn như sau:

 

Căn cứ Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua:



“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

 

Theo quy định trên, nếu nhà ông A bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì ông A có quyền yêu cầu chủ sở hữu vây bọc dành cho ông A một lối đi hợp lý. Vị trí, chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

 

Tuy nhiên theo như thông tin bạn cung cấp thì lối đi chung đã được thể hiện rõ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 2012, được sử dụng lâu dài, không có tranh chấp xảy ra. Khi lối đi chung được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả hai gia đình mà không có bất cứ tranh chấp nào thì mặc nhiên nó đã được thừa nhận. Hơn nữa khi cấp giấy chứng nhận, UBND xã đã xác minh cụ thể đất không có tranh chấp thì việc cấp giấy chứng nhận mới được hoàn thành. Do đó có thể thấy được đã có sự đồng ý giữa các bên về lối đi chung này.

 

Vì vậy nếu con trai ông A muốn điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này thì phải có căn cứ chứng minh việc gia đình bạn được cấp GCN đối với phần diện tích lối đi chung là không phù hợp quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp lối đi chung giữa hai nhà khi đã làm sổ đỏ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia Đào Quang Vinh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo