Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Quy định về chia di sản thừa kế theo pháp luật và quyền của người quản lý di sản

Luật sư tư vấn về vấn đề bác đòi chia tài sản thừa kế của ông bà đã đứng tên bố trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nội dung tư vấn: Kính chào luật sư. Gia đình em đang sống trên đất từ đường. Nhà từ đường thì đã hư nên nhà em đã xây mới lại toàn bộ và sổ đỏ đã đứng tên ba em cách đây chắc gần 10 năm. Nay ba em mới mất thì mấy anh của ba em về đòi chia đất từ đường. Khi nhà hư gia đình không có tiền nên mẹ em có vay ngân hàng khoảng 100 triệu và mới trả xong. Lúc chưa làm sổ đỏ mới thì ông nội em có nợ ngân hàng và ngân hàng có lên niêm phong nhà. Lúc đó máy anh của ba em không giúp đỡ. Gia đình em cũng đã tự vay mượn để trả, xong mới làm lại sổ đỏ đứng tên ba em và xây lại nhà mới ạ.

Cho em hỏi máy bác của em về đòi chia đất thì sẽ giải quyết như thế nào ạ?

Nều quyền lợi thuộc về mấy bác của em thì nhà mới và số tiền gia đình đã bỏ ra để trả nợ khi nhà bị niêm phong có được giải quyết gì không ạ.?

Và cuối cùng em muốn hỏi nữa là: Em nghe nói bác em có 1 tờ di chúc sau khi ông nội em chết thì bác em có chở bà nội về nhà bác bảo là chữa bệnh nhưng sau mấy ngày thì chở về lại. Bà bảo với ba mẹ em là bác em nói viết di chúc xong sẽ chữa bệnh cho nội e nhưng ko chữa bệnh mà chở về lại.cho em hỏi là nếu có tờ di chúc của bà nội thì nó có hợp pháp không ạ. Gia đình giờ chỉ còn 2 mẹ con nên rất hoang mang, không biết giải quyết như thế nào.

Mong luật sư giải đáp giúp. Em xin chân thành cảm ơn ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc chia di sản thừa kế

 

Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể về tài sản đang tranh chấp là tài sản chung của ông và bà bạn hay tài sản riêng của bà. Do đó trước hết cần xác định quyền sử dụng mảnh đất này là tài sản chung của ông và bà hay tài sản riêng của bà. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cụ thể về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng như sau:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

 

Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 206. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng

 

1. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp khối tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của bà bạn thì bà có toàn quyền định đoạt trong việc chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế với khối tài sản đó và vì bà bạn chưa mất nên các bác bạn không có quyền đòi chia tài sản của bà bạn.

 

Trường hợp tài sản tranh chấp là tài sản chung của hai ông bà thì một nửa tài sản sẽ được xác định là tài sản riêng của ông và sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Theo đó những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bạn bao gồm: bà bạn và các con của ông bạn sẽ là đồng thừa kế, mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau. Trong trường hợp này, các bác của bạn có quyền kiện đòi phần di sản mà họ được hưởng theo pháp luật. Về phía bà bạn, trong trường hợp này, bà bạn chỉ có thể định đoạt một nửa tài sản và phần bà bạn được thừa kế từ ông bạn.

 

Thứ hai, về tính hợp pháp của di chúc

 

Vì bạn không nêu rõ hình thức và nội dung của di chúc mà bà bạn lập là loại di chúc gì nên chúng tôi chưa thể khẳng định di chúc có hợp pháp hay không. Một di chúc được coi là hợp pháp nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 630 - Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

Điều 630. Di chúc hợp pháp

 

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật

 

Thứ ba, về việc gia đình bạn trả nợ thay cho ông và tu sửa phần di sản, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 616. Người quản lý di sản

 

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

 

Điều 617. Nghĩa vụ của người quản lý di sản

 

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

 

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;

 

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

 

c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

 

d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

 

Điều 618. Quyền của người quản lý di sản

 

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

 

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

 

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

 

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

 

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

 

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

 

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

 

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

 

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

 

Như vậy, sau khi ông mất thì gia đình bạn quản lý di sản mà ông bà để lại nên theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 618 BLDS, gia đình bạn sẽ được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

 

Bên cạnh đó, Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi chia thừa kế như sau:

 

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

 

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

 

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

 

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

 

5. Tiền công lao động.

 

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

 

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

 

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

 

9. Tiền phạt.

 

10. Các chi phí khác.

 

Như  vậy, khi chia thừa kế thì phần di sản ông bạn để lại sẽ được thanh toán chi phí cho việc bảo quản di sản và khoản nợ ngân hàng mà gia đình bạn đã thanh toán thay. Trong trường hợp khoản nợ này ông bạn vay với mục đích phục vụ nhu cầu của gia đình thì theo quy định tại Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình, bà bạn phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ của ông bạn. Ngoài ra, những người thừa kế có thể thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản , việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Phòng Luật sư tư vấn Luật Đất đai- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo